Thông báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Và đầu tuần này, Nga cho biết một máy bay không người lái của Ukraine đã rơi và gây ra vụ nổ chết người ở một thị trấn cách thủ đô Moskva 175 km về phía Nam.
Kiev đã không bình luận ngay lập tức về báo cáo, trong khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc máy bay không người lái (UAV) rơi sau khi bị hệ thống gây nhiễu điện tử vô hiệu hóa thiết bị điều hướng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết các nhà chức trách xác định UAV đó là một chiếc Tu-141 của Ukraine. Đây là loại UAV thời Liên Xô được sửa đổi và ra mắt tại Ukraine vào năm 2014, có tầm hoạt động khoảng 1.000 km.
Bộ trưởng Shoigu đã đưa ra thông báo về năng lực phòng thủ của Moskva tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga trong tháng này.
Ông cho biết năm 2023, nước này sẽ thành lập một sư đoàn phòng không và một lữ đoàn phòng không - tên lửa đặc biệt, một trung đoàn phòng không trang bị tổ hợp tên lửa đất đối không S-350.
Phát triển năng lực phòng thủ hàng không vũ trụ là một thành phần chính trong Chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga kể từ năm 2020. Nỗ lực đó chiếm khoảng 17,5% trong số 3,4 nghìn tỷ rúp (44,3 tỷ USD) được chi cho chương trình kể từ khi được bắt đầu vào năm 2011.
Chương trình này nhằm hướng đến việc triển khai 100 tiểu đoàn, bao gồm 800 bệ phóng từ các hệ thống tên lửa S-400, S-350 và S-500.
Theo bản cập nhật mới nhất của Chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga, còn được gọi là GPV-2027, các quỹ của chương trình sẽ chi cho sản xuất hệ thống S-500.
Hiện tại, lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga kiểm soát Tập đoàn quân Phòng thủ tên lửa và phòng không số 1, là lực lượng bảo vệ thủ đô Moskva và khu công nghiệp trung tâm.
Tập đoàn quân Phòng thủ tên lửa và phòng không số 1 có các trung đoàn được trang bị hệ thống S-300 hoặc S-400, nhưng Bộ trưởng Shoigu cho biết lực lượng này chuẩn bị tiếp nhận các hệ thống S-350.
Ngoài ra, Nga sẽ biên chế cho Tập đoàn quân hàng không vũ trụ số 15 các hệ thống S-500, có thể chống lại tên lửa đạn đạo.
S-500 được phát triển từ đầu những năm 2000. Năm 2011, Nga công bố kế hoạch xây dựng hai nhà máy mới để sản xuất S-500, và chúng được khai trương vào năm 2016.
Năm 2020, các nhà phân tích của hãng tin tức quân sự Nga Avia.pro ước tính một khẩu đội S-500 - bao gồm bệ phóng, radar, sở chỉ huy, tên lửa và phương tiện kỹ thuật - có giá khoảng 700-800 triệu USD.
Năm 2019, việc sản xuất tên lửa S-500 cho Lực lượng Hàng không vũ trụ đã bắt đầu diễn ra. Bộ Quốc phòng Nga và công ty Almaz-Antey đã ký hợp đồng cung cấp hơn 10 khẩu đội S-500 vào năm 2021.
Tập đoàn quân Hàng không Vũ trụ số 15 đã nhận được nguyên mẫu S-500 đầu tiên vào năm 2021, nhưng việc chuyển giao đã không diễn ra trong năm ngoái như kế hoạch ban đầu.
Tên lửa đất đối không S-350 của Nga diễu qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh vào ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Ông Shoigu cũng cho biết Bộ Quốc phòng sẽ đặt trạm kiểm soát không gian Razvyazka vào tình trạng báo động chiến đấu trong năm nay. Đây là trạm thay thế cho trạm radar tầm xa Dunai-3U, được đưa vào sử dụng từ năm 1978 cho đến đầu những năm 2000. Dunai-3U được đặt tại quận Chekhov của khu vực Moskva.
Trạm radar cảnh báo sớm Razvyazka sẽ bổ sung cho trạm radar Don-2N hiện có, hoạt động xung quanh Moskva từ năm 1989 và được nâng cấp trong những năm gần đây.
Công ty Radiofizika của Nga cho biết khoảng 1 tỷ rúp đã được chi để phát triển radar Razvyazka vào năm 2014.
Theo trang Defense News, Chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga cũng dự kiến sẽ hoàn thành các nhiệm vụ sau vào năm 2027:
Đầu tiên là thiết lập S-550, một hệ thống phòng thủ tên lửa hạt nhân liên lục địa di động, với khả năng phát hiện được cải thiện và tầm bắn xa hơn so với S-400 và S-500. Lực lượng Hàng không vũ trụ sẽ nhận được S-550 vào năm 2025. Tuy nhiên, Nga chưa công bố các vụ phóng thử.
Tiếp đó là coi hệ thống chống tên lửa và chống vệ tinh A-235 Nudol là một trong những ưu tiên quốc phòng hàng đầu. Hệ thống phi hạt nhân, di động trên mặt đất này có khả năng tấn công các vật thể trên quỹ đạo ở độ cao tối đa 700 km.
Nga đang phát triển A-235 Nudol để thay thế hệ thống A-135 thời Liên Xô. Lần phóng thử thứ 12 của A-235 diễn ra vào tháng 12 năm ngoái tại bãi thử Sary Shagan ở Kazakhstan.
Cuối cùng là chuyển giao vũ khí phòng không Pantsir S-1 cho lực lượng phòng không và tên lửa Nga để bảo vệ các hệ thống phòng thủ của đất nước. Tổng cộng có 507 đơn vị Pantsir S-1 sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong năm nay.
Theo Bộ trưởng Shoigu, đến cuối năm nay, khoảng 85% thiết bị của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga sẽ là phiên bản đã hiện đại hóa.