Nga đủ uy lực để đuổi quân Mỹ ở Syria

Vĩnh Thụy |

Ngày 21.7, chỉ huy quân đặc nhiệm Mỹ, tướng Raymond Thomas khẳng định Nga đủ uy lực để đuổi quân Mỹ ở Syria, vì Nga có tầm ảnh hưởng và tạo được thế đứng ở Syria chắc hơn Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị an ninh Viện Aspen (Mỹ), tướng Thomas nói mục đích chính của quân đặc nhiệm Mỹ là đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, nhưng luật quốc tế có thể chặn Mỹ hiện diện lâu dài ở Syria, vì chính phủ Tổng thống Syria Bashar Assad đã tuyên bố sự can thiệp của Mỹ vào nội chiến Syria là phi pháp.

Damascus-Moscow đã có quan hệ thân cận từ lâu, và nhờ Nga oanh kích, quân đội Syria chiếm lại nhiều vùng đất của bọn IS và của những tổ chức đòi thánh chiến Hồi giáo Jihad khác tại Syria.

Nga can thiệp quân sự trực tiếp theo đề nghị của Tổng thống Assad. Đó là lý do tướng Thomas nói Moscow sẽ dựa vào đề nghị này để buộc quân Mỹ rời khỏi Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ông Assad đã luôn đòi Mỹ và các nước chống chính phủ Syria phải tôn trọng chủ quyền của Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump xem ra đồng ý điều này, nhưng hồi tháng 4, ông cũng lệnh cho hải quân Mỹ phóng 59 quả tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria, với lý do đây là nơi xuất phát một cuộc thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học.

Nga-Syria đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ, và các chuyên gia cũng thắc mắc về tính hợp pháp của đòn tên lửa của Mỹ.

Mỹ nêu không có ý định tấn công quân chính phủ Syria, nhưng đã làm thế nhiều lần, với cớ bảo vệ “vùng phi chiến sự” do Mỹ đơn phương tuyên bố.

Các vụ tấn công quân ủng hộ ông Assad ở miền Nam Syria, cùng vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi máy bay quân sự Nga ở miền Bắc Syria đã khiến Nga phẫn nộ, dọa sẽ bắn rụng máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Tướng Thomas nói những vụ việc này có thể khiến Nga sẽ cự nự việc Mỹ hiện diện ở Syria một khi đánh bại bọn IS. Ông nói: “Đây là vấn đề hóc búa, chúng tôi hoạt động ở một quốc gia có chủ quyền. Sẽ có ngày người Nga hỏi “Mỹ này, sao các ông còn ở đây?”. Nếu họ chơi lá bài này, chúng ta có thể muốn ở lại nhưng chẳng có khả năng thực hiện mong muốn đó”.

Tướng Thomas cũng xác nhận CIA đã cắt quan hệ với những nhóm nổi dậy Syria muốn lật đổ ông Assad từ năm 2011.

Vài tuần qua, Nga-Mỹ hòa giải, đạt được một thỏa thuận ngưng bắn giữa quân đội Syria với các phe nổi dậy ở tây nam Syria. Nhưng căng thẳng vẫn còn, khi Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) và quân đội Syria đang cố gắng đánh bật bọn IS trong và quanh “thủ phủ” tự xưng Raqqa của chúng.

Nga đủ uy lực để đuổi quân Mỹ ở Syria - Ảnh 1.

Lính Mỹ đánh bọn IS ở Syria

Mỹ-Nga đều đánh IS ở Syria, nhưng chống lưng cho các nhóm có quan điểm “chọi” nhau về tương lai chính trị Syria.

Nga-Iran ủng hộ quân đội Syria, chống các phe nổi dậy đòi lật đổ ông Assad. Lính đặc nhiệm Mỹ ủng hộ SDF để giúp họ chống lại Lực lượng bảo vệ nhân dân Kurd (YPG).

Mỹ, Nga và Iran cũng tranh thủ cơ hội mở rộng và củng cố sự hiện diện quân sự ở Syria, bằng cách xây dựng và nâng cấp các căn cứ ở nước ngoài.

Đầu tháng 7, ảnh vệ tinh cho thấy một đường băng mới được xây gần biên giới nam Syria giáp Jordan và Iraq, theo trang Daily Beast.

Căn cứ này cùng nhiều “cơ sở tạm” khác được cho là để quân Mỹ tấn công bọn IS và ‘chống lưng’ SDF tại những vùng mà quân đội Syria muốn chiếm lại, ví dụ Raqqa (bắc Syria). Để hỗ trợ SDF ở đây, Mỹ sử dụng một căn cứ không quân gần thành phố Kobane.

Mặt trận thứ hai của Mỹ là ở đông nam Syria, và ảnh vệ tinh chụp một căn cứ “tạm thời” của Mỹ được mở rộng và nâng cấp gần thị trấn biên giới Al-Tanf.

Mỹ còn lập “vùng phi chiến sự” 55km ở quanh căn cứ này, cảnh báo bất kỳ máy bay nào bay vào sẽ bị ngăn chặn. Gần đây, Mỹ triển khai dàn phóng rocket HIMARS đến đây để giúp SDF và bảo vệ căn cứ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng ra lệnh “lập các điểm tiếp đạn, khu vực lắp ráp được bảo vệ kỹ”, điều cho thấy các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ muốn mở rộng sự hiện diện quân sự ở Syria.

Động thái này sẽ dẫn đến nỗ lực lập cơ sở hạ tầng an ninh có Mỹ ủng hộ, nhằm ngăn chặn cả bọn IS lẫn tầm ảnh hưởng của Syria.

Nga-Iran đều công bố kế hoạch phát triển sự hiện diện quân sự ở Syria, do có sự chấp thuận của chính phủ Syria. Từ ít nhất 50 qua, Nga thuê căn cứ không quân Hmeymim ở thành phố Latakia, và một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartous.

Hai căn cứ này đều đang được mở rộng và nâng cấp, không chỉ nhằm củng cố thế đứng của Nga ở miền tây Syria, mà còn ở phía đông Địa Trung Hải, không xa các lực lượng NATO, đối thủ của Nga.

Syria cũng cho Iran lập cơ sở hải quân riêng, theo hãng thông tấn TASS. Tháng 11.2016, Reuters đưa tin Iran công bố ý định lập các căn cứ ở Syria.

Tehran còn được cho là có một căn cứ chứa máy bay không người lái Shahed-129 do Iran tự sản xuất ở Al-Tanf, không xa quân Mỹ và đồng minh của Mỹ, theo NBC News.

Mỹ từng bắn rơi hai UAV của Iran khi chúng bay khỏi căn cứ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại