Căn cứ hải quân mới cho Hạm đội Caspian
Moscow đang dời căn cứ thường trực của Hạm đội Caspian từ Astrakhan sang một cảng mới ở Kaspiysk, Dagestan. Công việc này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, động thái trên đang tạo ra mối đe dọa lớn hơn không chỉ đối với vùng bắc Caucasus (Cáp-ca-dơ) bất ổn của Nga, các quốc gia ven biển Caspian, mà còn cả với Mỹ và Ukraine.
Đáng chú ý, trong vài tháng qua, Nga đã di chuyển các tàu hải quân của Hạm đội Caspian sang vùng biển Azov, tạo ra mối đe dọa đối với các cảng biển của Ukraine và giao thông hàng hải tại đây.
Trong khi đó, Mỹ hy vọng có thể sử dụng cảng Kazakhstani của Aktau để chuyển giao thiết bị quân sự cho Afghanistan.
Vì thế, những gì mà giới chức Nga tuyên bố là "nỗ lực để đảm bảo Hạm đội Caspian có khả năng triển khai nhanh chóng hơn trong tất cả các mùa thời tiết" ngày càng có vẻ là một động thái lớn của Nga nhằm vào các nước cộng hòa Xô Viết trong khu vực và thậm chí là Trung Đông.
Khi có tuyên bố đầu tiên về việc Hạm đội Caspian sẽ di dời về phía nam, lý do được đưa ra là vì các tàu hải quân Nga có thể di chuyển ra ngoài từ cảng Kaspiysk dễ dàng hơn so với cảng Astrakhan – nơi hoạt động bị hạn chế bởi các vùng nước nông hoặc đóng băng.
Tuy nhiên hiện nay, các nhà phân tích khá thẳng thắn đề cập rằng, lý do ban đầu mà Moscow viện vào để di dời căn cứ hải quân ở Caspian không phải là lý do quan trọng nhất.
Mục đích thực chất là nhằm đảm bảo sự thống trị của Nga ở biển Caspian, ngăn chặn các động thái của phương Tây và đặc biệt là Mỹ tại các vùng biển ven bờ, cũng như ở Trung Đông, đồng thời cho phép Moscow dễ dàng di chuyển tàu chiến từ biển Caspian sang biển Azov – tại đây, chúng được sử dụng để tăng thêm áp lực cho Ukraine.
Các tàu chiến của Hạm đội Caspian.
Toan tính của Nga
Trong bài bình luận đăng trên trang Politikus.ru, chuyên gia phân tích quân sự Yevgeny Radugin cho biết, việc Nga mở cửa căn cứ mới "không chỉ là bước đi đơn thuần để di dời Hạm đội Capsian từ cảng này sang cảng khác".
"Mục đích cơ bản" của Moscow là nhằm "đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực", xét trên vị thế quân sự-chính trị của Caspian, các quốc gia ven bờ, cũng như các nước tiếp giáp khu vực này.
Có một điều quan trọng cần lưu ý, đối với Nga, "sự ổn định" ở đây chính là "sự thống trị".
Hiện tại, theo các chuyên gia nhận định, "vùng Caspian đang ổn định về mặt chính trị, nhưng chỉ là tạm thời.
Trong tương lai, tranh chấp có thể sẽ nổ ra do "lợi ích của các quốc gia sản xuất năng lượng như Kazakhstan, Turkmenistan, Azerbaijan, cũng như các quốc gia phương Tây, mà trên hết là Mỹ, đang có nhu cầu tiếp cận nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên".
Ngoài ra, theo ông Radugin, nỗ lực của Mỹ nhằm tiếp cận các cảng biển của Kazakhstan, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt lên Iran càng "đổ thêm dầu vào lửa".
"Không nên quên phản ứng của giới chuyên gia quân sự và chính trị phương Tây khi tàu chiến của Hạm đội Caspian phóng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria năm 2015" – ông Radugin viết.
Tàu chiến của Hạm đội Caspi phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt IS hồi tháng 10/2015
Sự kiện đó lý giải tại sao các tàu Hải quân Nga ở vùng biển nội địa lại quan trọng đến vậy, chúng có thể được sử dụng theo một cách "hoàn toàn không lường trước được" nhằm vào các đối thủ của Nga.
Theo ông Radugin, "Từ biển Caspian, Nga có thể kiểm soát hoạt động của đối thủ và tác động tới Caucasus, Trung Á, đông Địa Trung Hải và các vùng lãnh thổ xa xôi như vịnh Ba Tư.
Theo vị chuyên gia, "Moscow đã nắm rõ các kế hoạch của NATO: liên minh này đang tìm cách chiếm quyền kiểm soát tầm ảnh hưởng hậu Xô Viết bằng cách đẩy Nga ra ngoài.
Moscow không thể đối phó với tình huống này chỉ bằng hình thức ngoại giao mà cần có khả năng thực sự để đáp trả các mối đe dọa từ bên ngoài, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an toàn cho người dân".
Mặc dù nói tới kế hoạch sử dụng căn cứ mới của Moscow nhưng ông Radugin không đề cập đến mối đe dọa tức thời lớn nhất có thể hiện hữu khi vai trò của Hạm đội Caspian được tăng cường.
Chúng bao gồm việc Nga di chuyển các tàu hải quân từ biển Caspian sang biển Azov – nơi Nga có thể gia tăng áp lực cho Kiev bằng cách cảnh trở các chuyến tàu chở hàng dân sự giữa các cảng của Ukraine hoặc từ cảng của Ukraine tới các khu vực khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc các tàu hải quân Nga đóng tại Caspian triển khai dễ dàng hơn qua kênh đào tới biển Zvov có thể sẽ dẫn tới một hệ quả nguy hiểm hơn trong tương lai.
Trong 3 tháng gần đây, Hải quân Nga đã trang bị cho Hạm đội Caspian khả năng đổ bộ bờ biển. Một số chuyên gia dự đoán Moscow có thể dùng điều đó để chống lại Ukraine trong tương lai gần.