Trao đổi với hãng tin Sputnik, Rakesh Krishnan Simha - nhà báo tại New Zealand, đồng thời là chuyên gia quan sát quân sự và phân tích các vấn đề đối ngoại - cho rằng có một số lý do nhất định dẫn tới thái độ gay gắt của Washington.
1. S-400 củng cố quan hệ quốc phòng Nga-Ấn
"S-400 là ví dụ hiếm thấy về một loại tên lửa phi hạt nhân nhưng gần như được xem là vũ khí chiến lược. Các giao dịch lớn như vậy thường liên kết bên mua và bên bán vào một vòng tròn chiến lược gắn liền với vòng đời của hệ thống vũ khí đó.
Xét tới tuổi thọ của các loại tên lửa phòng không Nga (trong những năm 1990, Serbia đã bắn hạ tiêm kích tàng hình Mỹ bằng hệ thống tên lửa-đất-đối-không 30 năm tuổi của Nga) thì S-400 có thể giữ vai trò trung tâm trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của Ấn Độ qua nhiều thập kỷ.
Do Mỹ đang tìm cách kéo Ấn Độ ra khỏi mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga nên S-400 sẽ trở thành một trong những trở ngại hàng đầu đối với kế hoạch của họ" - Simha nhận định.
Từ trái sang: Binh sĩ Ấn Độ, Nga, Angola tham gia nội dung huấn luyện trong khuôn khổ Diễn đàn quân sự quốc tế International Army Games 2015 tại thao trường Alabino, vùng Moscow.
Mặt khác, "nhiều quốc gia có xu hướng đi theo đường lối của Ấn Độ khi tiến hành các thỏa thuận vũ khí lớn", Simha cho hay. Theo nhà báo này, các lực lượng quân sự Ấn Độ được biết đến là những khách hàng "kén chọn" khi "yêu cầu các loại vũ khí phải trải qua nhiều năm thử nghiệm" trước khi mua chúng.
Vì thế, Mỹ lo ngại rằng một khi Ấn Độ mua S-400, điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với nhiều quốc gia từng có lịch sử mua vũ khí Mỹ.
"Sau khi Ấn Độ ký thỏa thuận S-400, một số quốc gia thân Mỹ như Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến Nga" - Simha nói.
Tên lửa S-400 khai hỏa trong đêm.
2. Nhân tố thay đổi cuộc chơi ở Nam Á
Theo Simha, S-400 có thể tác động tới mạng lưới phòng thủ của Pakistan và làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực.
"S-400 có thể mở rộng chiếc ô "chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Ấn Độ lên lãnh thổ Pakistan, cũng như ven Trung Quốc.
Hệ thống này sẽ khiến toàn bộ phương tiện đường không, đặc biệt là máy bay, tên lửa hành trình, máy bay không người lái... của Pakistan dễ bị thiệt hại.
Do có phạm vi theo dõi 600km và cự ly tiêu diệt mục tiêu lên tới 400km, 3 tổ hợp S-400 được đặt tại biên giới Ấn Độ sẽ bao phủ toàn bộ Pakistan, ngoại trừ phần phía tây cằn cỗi của tỉnh Balochistan" - Simha cho hay.
Theo chuyên gia Simha, nếu được triển khai tại biên giới Ấn Độ- Pakistan, S-400 sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng về phía Ấn Độ và điều này "vượt ra khỏi bàn tay" của Washington.
"Nhìn chung, quân đội Pakistan vẫn có mối liên hệ mạnh mẽ với Lầu Năm Góc, đó là di sản từ thời Chiến tranh Lạnh" - Simha nói.
"Ngoài ra, Mỹ không muốn cán cân chiến lược ở Nam Á nghiêng về New Delhi", Simha nhận định, "Bất chấp tình hữu nghị sâu sắc, Mỹ vẫn xem Ấn độ như đối thủ kinh tế lâu dài với một thế giới quan hoàn toàn khác".
3. Vũ khí chống tàng hình hiệu quả
Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: Reuters
"S-400 cũng là thứ vũ khí chống tàng hình hiệu quả", Simha nhấn mạnh, đồng thời cho biết mức độ phổ biến của S-400 trên khắp thế giới sẽ làm bộ lộ các điểm yếu của tiêm kích tàng hình F-35.
Theo vị chuyên gia này, không có thứ gì gọi là "tàng hình" trước mặt hệ thống phòng không của Nga.
"Mẫu tiêm kích mới nhất của Mỹ gây tranh cãi rất nhiều vì nó đã bị một số chuyên gia hàng không chỉ trích là yếu, không được vũ trang mạnh mẽ và không có khả năng tàng hình.
S-400 có thể làm bộc lộ thêm nhiều thiếu sót của F-35 và khiến cơ quan quốc phòng Mỹ phải đỏ mặt, nhất là khi toàn bộ tiêm kích thế hệ 4 của họ sẽ được thay thế bằng F-35 trong tương lai" - Simha nói.
S-400 Triumf trong một cuộc tập trận