Cách đây 70 năm, vào ngày 08/7/1948, chiếc máy bay IL-28 của Liên Xô đã bay thử thành công, đánh dấu lần đầu tiên Liên Xô sở hữu loại máy bay ném bom phản lực.
Sự kiện này cũng ghi nhận những cố gắng vượt bậc của các nhà thiết kế máy bay Xô Viết. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, họ đã thiết kế được một mẫu máy bay ném bom phản lực được coi là rất hiện đại lúc bấy giờ.
Khi pháo phòng không bất lực đứng nhìn
Thời đại hoàng hôn của máy bay ném bom dùng động cơ piston bắt đầu ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Lúc này Chiến tranh Lạnh cũng bắt đầu, cùng với đó là cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô. Hai bên liên tục đưa ra những loại vũ khí mới mang tính cách mạng, trong đó có máy bay phản lực.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Stalin ra chỉ thị phát triển một loại máy bay mới nhằm thay thế mẫu máy bay ném bom chủ lực Tu-2 đã phục vụ trong cuộc quân đội Liên Xô từ tháng 11/1942.
Tham gia cạnh tranh dự án chế tạo máy bay ném bom phản lực mới gồm có Cục thiết kế OKB-240 Ilyushin và Cục thiết kế Tupolev. Trong đó Ilyushin gửi duy nhất mẫu IL-28, cục Tupolev gửi hai mẫu Tu-73 và Tu-78. Cả 3 mẫu chế thử cho kết quả hoạt động tốt nhưng mẫu IL-28 có ưu thế trong sử dụng và sản xuất loạt.
Tháng 5/1949, Joseph Stalin ký quyết định chấp nhận dự án IL-28 của Cục thiết kế Ilyushin. Tháng 8 cùng năm, việc thiết lập sản xuất loạt loại máy bay này được tiến hành.
Máy bay ném bom IL-28.
Mẫu thiết kế của IL-28 sử dụng rộng rãi vật liệu duralumin (hợp kim nhôm, đồng, mangan và magiê) có ký hiệu D16T, có đặc tính bền và nhẹ. Cabin cho phi hành đoàn 3 người kín hoàn toàn, được cách âm và có ghế phóng dù (vào thời điểm đó được coi là thiết kế hiện đại và có tính cách mạng).
Máy bay sử dụng 2 động cơ phản lực VK-1, với lực đẩy 2.650 kg mỗi động cơ và được lắp hai bên cánh, cho máy bay tốc độ cận âm (906 km/h), trần bay thực tế 12.500 m, bán kính hoạt động 2.300 km.
Lúc ấy tên lửa phòng không chưa ra đời, những loại pháo phòng không đương thời đều có tầm bắn dưới trần bay của IL-78. Mối đe dọa với loại máy bay này chính là các máy bay tiêm kích phản lực mới ra khi đó như F-86 của Mỹ.
Về vũ khí, IL-28 còn mang nặng tư duy của máy bay ném bom trong Thế chiến 2 khi bố trí 4 khẩu pháo 23 mm HP-23 (2 khẩu phía trước mũi và 2 khẩu phía sau tháp pháo) để tự vệ (tư duy thiết kế này còn ảnh hưởng đến tận khi Liên Xô thiết kế loại máy bay ném bom Tu-95, vẫn còn bố trí tháp pháo), cơ số đạn 950 viên.
Để tiến công các mục tiêu mặt đất, IL-28 sử dụng duy nhất bom không điều khiển, máy bay có thể mang được 12 bom FAB-100 (có khối lượng 100 kg/quả), hoặc 8 bom loại FAB-250 (250 kg/quả).
Với những quả bom có khối lượng lớn như FAB-500 (trọng lượng 500 kg/quả), IL-28 mang được 2 quả. Với loại bom siêu trọng FAB-1500 (có khối lượng 1.500 kg/quả), máy bay chỉ mang được 1 quả nhưng không lắp trong khoang bom mà phải treo giá bên ngoài máy bay. Tổng khối lượng bom mà máy bay mang theo tối đa là 3 tấn.
Vào giữa những năm 1950, một phiên bản sửa đổi của IL-28 là IL-28A để dùng ném bom hạt nhân chiến thuật RDS-4 Tatiana với công suất 30 kiloton.
Các nhân viên kỹ thuật lắp bom lên máy bay IL-28
Máy bay ném bom IL-28 mặc dù là máy bay phản lực được thiết kế đầu tiên của Liên Xô nhưng có tỷ lệ tai nạn thấp nhất. Đây cũng là một kỷ lục đáng nể với loại máy bay này.
Qua nhiều thập kỷ hoạt động, các nhà thiết kế máy bay của Liên Xô đã tạo ra hơn 15 biến thể IL-28, trong đó có phiên bản chống tàu ngầm (IL-28PL), trinh sát chiến thuật (IL-28R), gây nhiễu, tác chiến điện tử (IL-28REB), trinh sát điện tử (IL-28RTR), phóng ngư lôi (IL-28T).
Khi vào cuối những năm 1950, những máy bay ném bom tiên tiến hơn ra đời và thay thế dần IL-28 như các loại máy bay Tu-16 hay Yak-28.
Lúc này, IL-28 chuyển sang dùng làm máy bay huấn luyện phi công quân sự và dân sự, kéo mục tiêu để huấn luyện cho các phân đội phòng không hoặc cải tạo thành máy bay không người lái, điều khiển bằng radio dùng cho huấn luyện các đơn vị tên lửa phòng không…
Thậm chí IL-28 còn cải tạo thành phiên bản dân sự (IL-28P) để vận chuyển bưu phẩm cho hãng Aeroflot hoặc hàng hóa có giá trị và tài liệu quan trọng.
Hai khẩu pháo 23 mm HP-23 lắp phía sau máy bay
Không chỉ được chế tạo tại Liên Xô, IL-28 còn được chế tạo tại Trung Quốc và Tiệp Khắc, xuất khẩu và viện trợ cho 20 quốc gia, từ Indonesia đến Cuba.
Tổng cộng có khoảng 6.300 chiếc Il-28 với các phiên bản khác nhau đã được chế tạo, đưa IL-28 trở thành loại máy bay ném bom phản lực được chế tạo nhiều nhất sau Thế chiến 2. Nhiều chiếc vẫn còn phục vụ cho đến cuối những năm 1980 mới bị loại khỏi biên chế.
Chiến binh giàu kinh nghiệm
Đạt những kỷ lục như an toàn nhất, máy bay ném bom phản lực được chế tạo nhiều nhất sau thế chiến 2 nhưng có lẽ thành tích tham chiến bất bại của IL-28 mới thực sự làm nên một huyền thoại.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, theo các nguồn tin của phương Tây, khoảng 70 máy bay ném bom IL-28 cùng với các phi công Liên Xô đã được triển khai trên các sân bay của Trung Quốc, giáp biên giới với CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, không có tài liệu đáng tin cậy về việc sử dụng IL-28 trong Chiến tranh Triều Tiên.
Những chiếc IL-28 được chính thức công nhận tham chiến là trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1956.
Máy bay IL-28 của Ai Cập đã tấn công vào một số vị trí đóng quân của Liên quân Anh, Pháp trên bán đảo Sinai, không một chiếc IL-28 nào của Ai Cập bị liên quân bắn hạ nhưng sau đó 7/50 chiếc IL-28 đã bị không quân Anh, Pháp và Israel phá hủy tại sân bay.
Máy bay IL-28 của Ai Cập tấn công tại các vị trí của quân đội Israel ở bán đảo Sinai trong "Cuộc chiến tiêu hao" năm 1969-1970
Năm 1962, máy bay ném bom IL-28 của Ai Cập tiếp tục tham gia các cuộc ném bom trong cuộc nội chiến Yemen, làm đồng minh của Yemen là Arab Saudi hết sức hoảng loạn.
Vào tháng 6/1966, một chiếc IL-28 cùng với các máy bay chiến đấu khác đã phá hủy gần như hoàn toàn căn cứ không quân tại thành phố Khamis-Mushait của Arab Saudi.
Những chiếc máy bay ném bom IL-28 của Ai Cập đã tích cực tham gia vào "cuộc chiến tiêu hao" với người Israel vào những năm 1969-1970.
Các phiên bản gây nhiễu, tác chiến điện tử IL-28REB của Ai Cập đã làm cho hệ thống tên lửa phòng không HAWK của Israel kích hoạt và phóng tên lửa vào các mục tiêu giả nhưng cũng không có một chiếc IL-28 nào bị bắn hạ, một lần nữa khẳng định tính năng của loại máy bay này.
Ngoài ra, những chiếc IL-28 của Ai Cập vào đêm 22, 23/01/1970 đã đánh bom, phá hủy nhiều tòa nhà ở thành phố El-Arisha trên bán đảo Sinai của Ai Cập (lúc này đang bị Israel chiếm đóng). Cùng ngày, những chiếc IL-28 tấn công các lính dù Israel xâm chiếm đảo Shodan.
IL-28 cũng được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Nigeria trong những năm 1969-1970, phá hủy sân bay Uli duy nhất ở thành phố Biafra, nơi có khả năng cất, hạ cánh những máy bay hạng nặng.
Cuộc chiến cuối cùng mà những chiếc IL-28 tham gia là cuộc nội chiến ở Afghanistan vào năm 1989-1992, trong vai trò máy bay ném bom của quân đội chính phủ Najibullah nhưng lực lượng Taliban đã không bắn hạ được bất kỳ một chiếc nào, mặc dù họ vẫn còn sở hữu rất nhiều tên lửa phòng không Stinger có nguồn gốc từ Mỹ.
Nuôi quân 8 năm dùng một lần
Máy bay ném bom IL-78 của Không quân Nhân dân Việt Nam
Trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam đã ghi nhận chúng ta từng sở hữu máy bay ném bom, chính là những chiếc IL-28. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là loại máy bay ném bom duy nhất mà quân đội ta được trang bị và sử dụng.
Năm 1965, Liên Xô chính thức chuyển giao cho phía Việt Nam 8 chiếc máy bay ném bom IL-28 (gồm cả 3 loại: trinh sát không ảnh, ném bom và huấn luyện). Toàn bộ lực lượng phi công, cán bộ kỹ thuật được biên chế thành đơn vị T16, nằm trong Trung đoàn không quân tiêm kích 921 Sao Đỏ.
Tuy đã nhận được máy bay, phi công đã huấn luyện xong nhưng suốt từ năm 1965 cho tới năm 1967, đơn vị T16 vẫn chưa được một lần xuất kích.
Tháng 6/1967, toàn đội phi công được cử đi bổ túc ở Liên Xô hơn 1 năm để huấn luyện bay ném bom trên biển ở độ cao cực thấp (50m) với tốc độ cực lớn (900km/h), bay cả ban ngày và ban đêm với mục đích chính là để ném bom tấn công tàu chiến Mỹ ngoài khơi.
Năm 1968, đội phi công hoàn thành khóa huấn luyện về nước. Tháng 10/1968, đơn vị T-16 được tổ chức lại thành Tiểu đoàn 929, trực thuộc Binh chủng Không quân. Dù vậy, suốt giai đoạn từ năm 1968 cho tới năm 1972, Tiểu đoàn 929 vẫn chưa được cấp trên giao phó bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào.
Cho đến tận ngày 9/10/1972, phi đội IL-28 mới nhận được nhiệm vụ đầu tiên, đó là ném bom tấn công căn cứ Bun Loong của lực lượng phỉ Vàng Pao trên đất Lào (trong căn cứ có cả các cố vấn Mỹ).
Nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc, hai chiếc IL-28 xuất kích ngày hôm đó đã gây thiệt hại lớn cho căn cứ địch. Đến tận bây giờ, đây cũng là chiến công duy nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam về việc dùng máy bay ném bom tiến công địch.
Lý giải cho điều này, đối với Việt Nam lúc đó thì IL-28 có thể xem là máy bay mang tầm chiến lược (dù thiết kế nhiệm vụ của nó chỉ là máy bay ném bom chiến thuật), nghĩa là chỉ sử dụng vào thời điểm quan trọng nhất, gay go nhất, phải mang được chiến thắng và có ý nghĩa, đã ra quân là phải đánh thắng.
Có lẽ vì thế mà trong suốt những năm hoạt động, IL-28 chưa được phép xuất kích khi thời cơ chưa thực sự chín muồi.
Đến năm 1973, các máy bay IL-28 của chúng ta đều hết hạn sử dụng và không thể phục vụ tiếp được nữa nên đã bị cho loại biên hoàn toàn.