Nga đã nhận đề nghị bán tên lửa Iskander: Hãy "nín thở" xem ai là khách hàng đầu tiên

Tuấn Sơn |

Ông Dmitry Shugaev - GĐ Cơ quan Liên bang về hợp tác Kỹ thuật quân sự tuyên bố Nga đã nhận được đề nghị mua tên lửa Iskander từ một số khách hàng nước ngoài. Ai sẽ được duyệt?

Khách hàng nằng nặc đòi mua

Nhà bình luận quân sự Anton Mardasov của Báo Svpressa (Nga) cho rằng đây là thông tin được ông Dmitry Shugaev tiết lộ ngay trong Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế ARMY-2017 với một danh sách khá dài khách hàng nước ngoài đề nghị Nga bán tên lửa Iskander phiên bản xuất khẩu.

Ông Shugaev nhấn mạnh rằng tổ hợp tên lửa đất đối đất chiến thuật - chiến dịch Iskander là một trong những tổ hợp vũ khí tấn công tuyệt vời nhất hiện nay:

"Các tổ hợp tên lửa Iskander hiện có trong biên chế Quân đội Nga là một thứ vũ khí răn đe rất lớn đối với những đối thủ tiềm tàng của Nga cả về uy lực công phá, sức sát thương lẫn độ chính xác. Điều này khiến cho nhiều khách hàng nước ngoài tỏ ra đặc biệt quan tâm và chúng tôi đã nhận được những lời đề nghị thiết tha mua tổ hợp này".

Đồng thời, vị Giám đốc cơ quan Liên bang này cũng chỉ ra rằng Moscow đang cân nhắc, "sàng lọc" kỹ càng khách hàng nào sẽ được tiếp cận loại vũ khí tấn công chính xác Iskander để đảm bảo tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế và hài hòa lợi ích, cán cân địa chính trị quân sự khi cung cấp loại vũ khí đầy uy lực này ra thị trường quốc tế.

Còn nhớ, vào tháng 8/2014, Đại diện phòng Thiết kế tổ hợp Iskander - ông Georgy Kuzyk đã tuyên bốrằng mọi khách hàng tiềm năng đều phải xúc tiến đơn đặt hàng thông qua cơ quan độc quyền xuất khẩu vũ khí quốc doanh - Công ty Rosoboronexport, và Iskander không phải để bán ra nước ngoài cho tới tận năm 2016.

Chính vì vậy, không có cách nào để tăng quy mô sản xuất tên lửa Iskander tại thời điểm đó. Tuy nhiên, chưa đầy 6 tháng sau (tháng 2/2016), tình hình tưởng như có vẻ dễ thở hơn khi đích thân ông Igor Sevastyanov - Phó TGĐ Rosoboronexport, cho biết là đã bắt đầu có những cuộc đàm phán liên quan tới việc xuất khẩu Iskander.

Tiếp đó, vào tháng 6 cùng năm, một đoàn lãnh đạo quân sự cấp cao của Saudi Arabia khi tham dự Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế ARMY-2015 đã lớn tiếng tuyên bố: "Saudi Arabia thực sự quan tâm tới việc đặt mua các tổ hợp tên lửa chiến thuật - chiến dịch Iskander-E".

Bất hạnh thay, tháng 11/2016, đích thân ông Sergei Chemezov - người đứng đấu Tập đoàn công nghệ quốc doanh Rostec (Nga) đã bác bỏ thông tin cho rằng đã có những cuộc đàm phán bán tên lửa này cho Saudi.

Bởi trước đó, vào tháng 6/2016, cũng chính ông này tuyên bố tổ hợp tên lửa Iskander hoàn toàn "chưa phải để bán" ra nước ngoài, bất chấp sự quan tâm đặc biệt của Saudi.

"Saudi Arabia sau đó đã theo đuổi rất quyết liệt khi một lần nữa đề nghị Nga cung cấp Iskander, nhưng loại tên lửa này vẫn nằm trong danh mục cấm xuất khẩu, và sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào. Đây là loại vũ khí nhạy cảm, nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân", người đứng đầu Tập đoàn Rostec phát biểu.

Nga đã nhận đề nghị bán tên lửa Iskander: Hãy nín thở xem ai là khách hàng đầu tiên - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa Iskander của Quân đội Nga.

Bị từ chối phũ phàng, nhưng sự thật là...

Mặc dù tuyên bố chắc như đinh đóng cột như vậy, thế mà vào tháng 9/2016, lần đầu tiên người ta đã thấy tổ hợp tên lửa Iskander xuất hiện trong Lễ Duyệt binh mừng độc lập lần thứ 25 của nước Cộng hòa Armenia ở Thủ đô Yerevan.

Lãnh đạo quân sự quốc gia láng giềng của Nga này tuyên bố, đây là những tổ hợp tên lửa Iskander của Quân đội Armenia, chứ không phải của Quân đội Nga!

Kết nối với tuyên bố của ông Shugayev chúng ta có quyền đặt câu hỏi có phải thực sự Nga chưa muốn xuất khẩu Iskander? Hay là Nga cố tình lập lờ để "sàng lọc" khách hàng nước ngoài và quốc gia nào sẽ được ưu tiên?

Tổng biên tập Tạp chí xuất khẩu vũ khí Nga, ông Andrei Frolov nhắc lại việc Belarus khẩn thiết kề nghị Nga bán Iskander rất nhiều lần nhưng kết quả là họ chỉ gặt hái được công nghệ chế tạo loại tên lửa gần tương tự thông qua dự án nghiên cứu hệ thống pháo phản lực bắn loạt tầm xa Polonaise hợp tác giữa Belarus và Trung Quốc.

Chuyên gia Andrei Frolov cho rằng Nga có thể đã nhận được đề nghị mua Iskander từ bất cứ quốc gia nào. Về lý thuyết, có thể là Algeria khi mà đã có thông tin về những cuộc đàm phán xuất hiện từ năm 2008, hay như Việt Nam vẫn muốn có thêm những tổ hợp tên lửa uy lực hơn bên cạnh các hệ thống tên lửa bờ Bastion với tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Yakhont.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Iskander được quan tâm đó chính là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa hiện đại nhất nhờ hệ thống điều khiển quỹ đạo bay độc đáo, để tấn công vào sâu trong hậu phương của kẻ địch, phá hủy các mục tiêu được bảo vệ vững chắc.

Sở hữu Iskander coi như là đã sở hữu một thứ vũ khí tấn công tối thượng.

Như vậy, ngoại trừ sự xuất hiện của tên lửa Iskander ở Armenia mà Nga không khẳng định cũng chẳng phủ nhận, có thể thấy hiện nay, chưa có thông tin nào về việc Nga đã chính thức đàm phán cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật - chiến dịch này cho bất cứ quốc gia nào.

Hãy cùng "nín thở" chờ xem bao giờ và ai sẽ làm khách hàng đầu tiên sở hữu Iskander.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại