Chuyến đi của ông Miguel diễn ra một ngày sau khi Hoa Kỳ, đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt vào Nga, đã tuyên bố về các hạn chế kinh tế mới đối với Cuba.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov ngày 1/11 đã nhấn mạnh sự ấm áp của "tình hữu nghị và hợp tác với Cuba", và nói với các nhà báo rằng, "Nga dự định tiếp tục các mối quan hệ này và làm mọi thứ có thể để phát triển chúng".
Sự hợp tác quân sự cũng có trong chương trình nghị sự, ông Peskov nói thêm rằng chủ đề này "khá nhạy cảm" và ông không thể đưa ra chi tiết.
Ông từ chối bình luận về một bài viết trên tờ Kommersant rằng Moscow sẽ cho Havana mượn hơn 50 triệu USD để mua vũ khí của Nga.
Trong một tuyên bố chung ngắn sau cuộc hội đàm tại điện Kremlin ngày 2/11, ông Putin ca ngợi "tình bạn, sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau"- điều đã thể hiện trong quan hệ hai nước qua nhiều thập kỷ, và nói rằng hai nhà lãnh đạo đã "có cuộc đối thoại hiệu quả và đáng kể".
Ông Diaz-Canel mời ông Putin đến thăm Cuba vào năm 2019 và nói rằng ông sẽ đảm bảo duy trì "di sản" của mối quan hệ giữa Moscow và Havana - đã được xây dựng từ thời Xô Viết.
Ông Diaz-Canel lần trước đã gặp ông Putin ở Nga năm 2016 với tư cách phó chủ tịch thứ nhất và thảo luận về hợp tác kinh tế.
Điện Kremlin cũng cho biết hôm thứ Sáu, tập đoàn dầu mỏ của Nga, Rosneft đã bắt đầu dự án khai thác ngoài khơi Cuba.
Trong cuộc họp với chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, ông Diaz-Canel nhắc tới các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và cho biết mối quan hệ Havana - Washington đã suy giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ đang suy sụp," ông Diaz-Canel được hãng tin Interfax trích lời.
Việc Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự với Cuba sẽ được Washington nhìn với ánh mắt không vui trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov trong một chuyến thăm gần đây tới Cuba đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng trị giá trên 260 triệu USD, mặc dù không rõ có bao nhiêu trong số chúng thuộc lĩnh vực quân sự.