Nga chơi nước cờ chiến lược với Ukraine khi tuyên bố rút khỏi đảo Rắn

Trung Hiếu |

Đảo Rắn tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược về quân sự và hàng hải. Không phải ngẫu nhiên Nga chủ động đánh chiếm đảo này từ đầu cuộc chiến với Ukraine. Nhưng mới đây Nga đã chấp nhận rời bỏ đảo này, xuất phát từ những tính toán chính trị.

Nga ra tay vào ngay đầu cuộc chiến

Ngày 24/2/2022, ngày đầu tiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, quân đội Nga đã đánh chiếm đảo Rắn – một hòn đảo nhỏ nhưng lại là tiền đồn quan trọng chiến lược trên Biển Đen. Đảo chỉ nằm cách Odessa 70 hải lý về phía Nam.

13 lính Ukraine đóng trên đảo này được cho là đã không thể duy trì kháng cự do hết đạn dược.

Ban đầu phương Tây cho rằng 13 lính đó đã bị giết nhưng các thông tin sau đó đã xác nhận họ vẫn sống và bị phía Nga bắt làm tù binh.

Bằng việc chiếm lấy đảo Rắn vào đầu cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, Nga đã giành được lợi thế chiến lược giúp họ kiểm sát được vùng Tây Bắc Biển Đen. Đối với Moscow, điều này có tầm quan trọng ở cấp chiến dịch và chiến lược. Từ đảo này, hải quân Nga có thể oanh tạc Ukraine bằng tên lửa hành trình. Nga cũng có thể đe dọa đổ bộ đường biển lên Odessa. Ngoài ra, việc chiếm đảo Rắn còn giúp Nga ngăn chặn việc vào và rời khỏi các cảng của Ukraine, nói cách khác là phong tỏa Ukraine.

Sau khi chiến hạm Moskva của Nga bị đắm vào ngày 14/4, đảo Rắn càng trở nên quan trọng với Nga, đóng vai trò căn cứ tác chiến điện tử và phòng không.

Do vậy, phía Ukraine cũng đã vài lần nỗ lực tái chiếm đảo Rắn.

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine-Nga trên bộ rất khốc liệt và kéo dài, việc Ukraine vào ngày 30/6 vừa qua được cho là đã tái chiếm hòn đảo Rắn chiến lược này đã tạo ra nhiều khích lệ cho phía Ukraine.

Giờ đây Ukraine được cho đã cắm cờ trên đảo Rắn, dù rằng về ngắn hạn họ sẽ chưa đóng quân trên đảo.

Tính toán của Nga khi chịu “nhả” đảo Rắn

Tình báo Anh đã nhận ra việc Nga mất quyền kiểm soát Tây Bắc Biển Đen vào ngày 21/6. Trước khi Ukraine kiểm soát trở lại đảo Rắn, Nga vẫn hy vọng duy trì khả năng phong tỏa Ukraine và đã đẩy mạnh rải thủy lôi.

Phong tỏa Ukraine là một công cụ mạnh mẽ của Moscow trong đàm phán chính trị toàn cầu. Nó có thể giúp Nga quy trách nhiệm về khủng hoảng lương thực cho các lệnh trừng phạt của phương Tây, từ đó tập hợp được sự ủng hộ của Nam Bán cầu chống lại phương Tây.

Đáng lưu ý, việc Nga đột ngột tuyên bố sẵn sàng cho phép vận chuyển tự do ngũ cốc từ các cảng của Ukraine trùng hợp với việc họ không thể kiểm soát hoàn toàn sự tiếp cận đối với Odessa, mặc dù hải quân Nga vẫn tạo ra những thách thức đáng kể cho Ukraine ở khu vực này.

Khi đã để mất đảo Rắn, Nga giờ sẽ phải cố gắng giành thế thượng phong trên đấu trường ngoại giao, bằng cách quy trách nhiệm cho Ukraine và phương Tây về khủng hoảng lương thực toàn cầu và đẩy cho đối phương trách nhiệm rà phá thủy lôi ở khu vực biển này.

Tại đây đang diễn ra cuộc đấu trí giữa đôi bên. Phương Tây sẽ phải dốc sức thiết lập một hành lang vận chuyển an toàn để vừa “giảm nhẹ khủng hoảng lương thực toàn cầu”, vừa quy trách nhiệm cho Nga về cuộc khủng hoảng đó.

Trong con mắt của phương Tây, cuộc đấu trí mới này rất quan trọng nếu tính đến Nam Bán cầu vì các nước ở đây thường chỉ phê phán ở mức tối thiểu cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine.

Nếu phương Tây khôi phục thành công dòng chảy ngũ cốc từ Ukaine (có thể qua ngả eo biển Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các hành trình thay thế khác), họ có thể cô lập Nga hơn nữa trên trường quốc tế. Nhưng nếu họ thất bại, điều đó sẽ tạo lợi thế cho tuyên bố của Nga về lỗi lầm của phương Tây.

Thực tế chỉ ra, người ta hiếm khi giành chiến thắng trong các cuộc chiến kéo dài nếu chỉ dựa vào các thành công quân sự mà còn phải dựa vào các yếu tố trọng yếu khác như sự thống trị về kinh tế và ảnh hưởng chính trị.

Và như vậy, cuộc đối đầu chính trị giữa Nga và phương Tây trên trường quốc tế mới chỉ bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại