Tuyên bố trên được ông Andrey Kelin, Giám đốc Bộ Hợp tác châu Âu (DEC) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sputnik.
Ông Kelin cho biết, mục tiêu chính hiện nay của Washington là kiểm soát toàn bộ phía tây bán đảo Balkan, rồi đến Montenegro, để thu hút các nước khác vào quỹ đạo do Mỹ vạch sẵn.
“Chúng tôi không tiếp nhận được điều này một cách bình tĩnh, bởi vì bất kỳ làn sóng mở rộng nào của NATO, đặc biệt là trong điều kiện về các mối quan hệ đang tồn tại hiện nay, là yếu tố bổ sung làm phức tạp thêm cho an ninh châu Âu”, ông Kelin nói, và thêm rằng Moscow rất quan ngại về kế hoạch của Mỹ.
Balkan là bán đảo thuộc phía đông nam châu Âu, bao gồm các quốc gia Albania, Bosna và Hercegovina, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ (phần châu Âu), Moldova, Romania và Slovenia.
Tuy lo ngại về tình hình trên bán đảo Balkan, theo ông Kelin, những rắc rối ở vùng trời trên biển Baltic lại phát triển theo chiều hướng tốt. Đây là kết quả thu được sau khi Sáng kiến Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có liên quan đến hàng không quân sự, được thông qua.
Bình luận về tuyên bố của Lầu Năm Góc hồi giữa tháng 10 rằng đã thông qua kế hoạch bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 10,5 tỷ USD cho Ba Lan (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019), ông Kelin khẳng định, Moscow sẽ có những biện pháp đáp trả thích hợp.
“Trước đây, chúng tôi gợi ý cung cấp cho NATO một số hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa có thể loại bỏ hiệu ứng tiêu cực này. Nhưng tất cả những nỗ lực và đề xuất của chúng tôi đã bị từ chối.
Vì vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ không chỉ đơn giản là đưa điều này vào kế hoạch phòng thủ của chúng tôi, mà cũng sẽ có biện pháp thích hợp để khôi phục sự ổn định ở châu Âu”, theo nhà ngoại giao Nga.
Giám đốc DEC cũng nhấn mạnh đến mối quan tâm của NATO đối với cuộc tập trận Zapad-2017 giữa Nga-Belarus.
Theo đó, ông này lưu ý, trong thời gian sự kiện quân sự Zapad-2017 diễn ra, NATO đã tiến hành hơn chục cuộc tập trận ở châu Âu. “Tại sao phương Tây lại tỏ ra quan ngại, trong khi chính họ cũng thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn?”, ông Kelin đặt câu hỏi.
Được biết, các quốc gia phương Tây liên tục lo ngại về cuộc tập trận chung này, với lý do, lực lượng Nga được triển khai tới Belarus để tập trận có thể sẽ ở lại đất nước này sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nga đã nhiều lần bác bỏ thông tin trên. Moscow khẳng định, tất cả các binh lính Nga tham gia cuộc tập trận đã rời khỏi Belarus sau sự kiện này.