Hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Philippines. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT (Nga), phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 4/10, Đại sứ Nga Konstantin Vorontsov, Trưởng phái đoàn Nga tại Ủy ban Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc cho rằng việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, thậm chí cả máy bay chiến đấu cho Ukraine, đang đẩy Washington tiến gần đến “ranh giới nguy hiểm” của cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva.
“Mỹ đang tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho quân đội nước này, tạo điều kiện cho các binh sĩ và cố vấn của họ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này không chỉ kéo dài xung đột, dẫn đến nhiều thương vong mới, mà còn có khả năng leo thang thành cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO”, ông Vorontsov nói trước Ủy ban thứ nhất – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Cảnh báo của đại sứ Nga được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 625 triệu USD cho Kiev. Theo Lầu Năm Góc, kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã chi hơn 19,6 tỉ USD để “hỗ trợ an ninh” cho Ukraine. Tính từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (từ ngày 24/2 đến nay), Mỹ đã viện trợ 16,8 tỉ USD khác cho Ukraine. Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để giải quyết xung đột đang leo thang.
Gói hỗ trợ 625 triệu USD bao gồm các loại vũ khí, thiết bị bổ sung, như 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), đạn dược, 16 khẩu pháo cỡ nòng 155mm và 105mm, 75.000 viên đạn pháo - bao gồm đạn pháo dẫn đường và đạn đặt mìn từ xa – cùng các loại vũ khí nhỏ và đạn cối, 200 xe bọc thép MRAP.
Đây là gói viện trợ đầu tiên của Mỹ kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập 4 khu vực Ukraine vào Nga, và là gói thứ hai sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA) từ khi Ukraine đạt được bước tiến lớn trên chiến trường vào giữa tháng 9.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên gửi vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Ukraine. Song bất chấp cảnh báo, Washington và NATO tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào còn cần và theo nhu cầu của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều đó không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.