Bước ngoặt của phương Tây trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Kiều Anh |

Giữa bối cảnh phương Tây cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm, quan chức quân sự từ hơn 40 quốc gia tập trung tại trụ sở của NATO ở Brussels ngày 28/9 (giờ địa phương) để thảo luận về việc tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược.

Binh lính Ukraine lái xe tăng ở Novoselivka ngày 17/9/2022. Ảnh: AFP

Binh lính Ukraine lái xe tăng ở Novoselivka ngày 17/9/2022. Ảnh: AFP

Cuộc gặp được tổ chức dưới sự ủng hộ của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - một tổ chức do Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu của nhóm này đã gặp nhau hàng tháng để đánh giá về các nhu cầu và yêu cầu của Ukraine cũng như đưa ra các cam kết hỗ trợ. Tuy nhiên, cuộc gặp ngày 28/9 này là lần đầu tiên các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm mua vũ khí gặp nhau.

Sau nhiều tháng vận chuyển hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine, các quốc gia hỗ trợ nhận thấy họ cần sản xuất nhiều đạn dược hơn để tiếp tục hoạt động này khi mùa đông đang tới gần. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất không phải điều có thể thực hiện một sớm một chiều.

Cuộc gặp bước ngoặt ở Brussels

Một quan chức cấp cao NATO cho biết các đại biểu sẽ thảo luận về việc làm thế nào để điều phối sản xuất nhằm lấp đầy kho vũ khí nhanh chóng giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vào thời điểm then chốt trong những tháng tới.

Quan chức giấu tên này không nêu cụ thể các vũ khí tiếp theo sẽ được cung cấp cho Ukraine. Tính tới nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 16 tỷ USD hỗ trợ an ninh, trong đó có 21 gói hỗ trợ quân sự riêng từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc.

Thủ tục và quá trình cung cấp vũ khí có thể mất nhiều năm để hoàn tất nhưng một quan chức NATO đề xuất một số kế hoạch ngắn hạn, trong đó có thỏa thuận giữa các quốc gia nhằm mua nhiều đạn dược hơn, chủ yếu để lấp đầy kho vũ khí sụt giảm do chiến tranh.

Ông cho biết, điều này sẽ đóng góp vào nỗ lực dài hạn hơn nhằm tăng cường và chia sẻ đạn dược, khiến chúng tương thích các các hệ thống vũ khí giữa các quốc gia và kích hoạt một quy trình nhanh chóng hơn để thích nghi với môi trường an ninh đã thay đổi.

Quan chức cấp cao này cũng khẳng định, các nước thành viên NATO có đủ vũ khí để tự vệ, ngăn chặn các mối đe dọa nhưng cuộc chiến cường độ cao ở Ukraine đã buộc họ phải xem xét kỹ lưỡng hơn kho đạn dược của mình.

Theo quan chức này, nếu các nước biết rằng họ có thể làm việc cùng nhau để sản xuất nhiều vũ khí hơn thì họ sẽ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho Ukraine trong những tháng tới. Ưu tiên hàng đầu của các cuộc thảo luận là tăng cường đạn dược sử dụng cho lựu pháo và pháo phản lực, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay. Một số vũ khí Ukraine cần trong cuộc xung đột với Nga đã lỗi thời trong khi sự thiếu hụt các ổ bi, linh kiện điện tử và các thiết bị khác đã dẫn đến sự trì hoãn sản xuất ở Mỹ.

Mỹ đang cố gắng giải quyết những vấn đề trên, quan chức Mỹ khẳng định, đồng thời cho biết Lầu Năm Góc sẵn sàng tiếp nhận giải pháp từ các quốc gia cũng gặp những vấn đề tương tự.

Liệu Ukraine có khả năng vận hành tất cả vũ khí từ các quốc gia?

Từng thuộc Liên Xô, lực lượng quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào các vũ khí do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí cho quốc gia này sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Mỹ, Anh và Đức cũng đã thành lập Ủy ban Quân sự Phối hợp để bắt đầu cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Ukraine.

Vì thế, trong khi các lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn sử dụng nhiều vũ khí thời Liên Xô như súng trường, lựu pháo, xe tăng và máy bay chiến đầu thì họ cũng bắt đầu vận hành các vũ khí do NATO cung cấp trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Các đợt vận chuyển vũ khí đã được tăng cường sau khi Mỹ mua được đạn dược cho các vũ khí do Nga sản xuất từ các nhà máy ở Đông Âu. Để tiếp tục hỗ trợ pháo binh Ukraine, Lầu Năm Góc bắt đầu cung cấp các lựu pháo do Mỹ sản xuất.

Vào những năm 1950, khi châu Âu chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra Thế chiến III với Liên Xô, các nước NATO đã hợp tác với nhau để tiêu chuẩn hóa cỡ nòng của các loại đạn để các thành viên có thể chia sẻ với nhau các vũ khí như súng trường và súng máy.

Vì những lý do chính trị cũng như chi phí, chất lượng và khả năng, nhiều quốc gia không phải là thành viên của NATO đã chấp nhận các loại đạn theo tiêu chuẩn NATO. Điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều quốc gia khác ngoài NATO cũng có thể cung cấp đạn dược cho Ukraine.

Khả năng bổ sung đạn dược của Ukraine và Nga

Hàng chục nước NATO và những quốc gia không thuộc NATO đang sản xuất các loại đạn dược mà các thành viên của liên minh này sử dụng. Hiện có khoảng hơn 20 quốc gia sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm mà Ukraine cần.

Trong những thập kỷ đầu tiên từ khi NATO thành lập, liên minh này chưa đặt ra quy chuẩn loại pháo mà tất cả các nước đều sử dụng. Tuy nhiên, sau đó, lựu pháo cỡ nòng 155mm và pháo nhỏ hơn có cỡ nòng 105mm là những vũ khí chủ yếu sử dụng tại các quốc gia này.

Vào đầu những năm 1980, đạn pháo cỡ nòng 155mm do Mỹ thiết kế đã xuất xưởng khỏi các nhà máy của Bỉ, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2022, Australia, Bosnia, Cộng hòa Séc, Israel, Slovakia, Hàn Quốc và Tây Ban Nha cũng là các quốc gia sản xuất loại đạn pháo này.

Hiện phương Tây cho rằng Nga không có một mạng lưới cung cấp vũ khí như vậy. Mặc dù Moscow là một nhà sản xuất vũ khí lớn nhưng phương Tây nhận định, Nga cũng đang chật vật tái bổ sung lực lượng trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngày nay, hầu như có rất ít quốc gia sản xuất đạn dược thời Liên Xô. Các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết, trong những tháng gần đây, Nga đã mua và triển khai UAV sát thương do Iran sản xuất ở chiến trường Ukraine. Tình báo Mỹ cũng tiết lộ Nga đã mua vũ khí từ Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng phủ nhận việc này. Hiện việc Trung Quốc, quốc gia trước đó tuyên bố về sự hợp tác không giới hạn với Nga, có bán hoặc cung cấp vũ khí cho Moscow hay không vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington không phản đối Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để nhắm vào các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga, giữa bối cảnh Mỹ coi các cuộc trưng cầu ý dân tại các khu vực này là bất hợp pháp.

"Ukraine sẽ tiếp tục thực hiện những gì họ cần làm để giành lại những vùng đất của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực đó", ông Blinken khẳng định

Khi được hỏi về những bình luận trên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Đại sứ Anatoly Antonov cảnh báo, những đợt vận chuyển vũ khí này chỉ khiến "căng thẳng leo thang".

"Bằng việc xúi giục Ukraine tiếp tục sử dụng phương tiện quân sự từ phương Tây, Washington không nhận ra rủi ro của những hành động này", Đại sứ Nga cho hay, đồng thời nhận định, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "tiến gần lằn ranh nguy hiểm mà Nga đã nhiều lần cảnh báo: Đó là Mỹ đang trở thành một phần trong cuộc xung đột ở Ukraine"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại