Các bên đòi Assad ra đi sẽ không được dự Đại hội Sochi
Đại hội - dự kiến tổ chức tại khu nghỉ dưỡng ở Sochi, Nga, bên bờ Biển Đen vào ngày 29-30/1/2018, dự kiến có sự tham dự của tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria nhằm xây dựng một lộ trình cho tương lai của quốc gia này.
Tuy nhiên, Nga loại trừ tư cách tham gia Đại hội của bất kỳ đảng phái, lực lượng nào kiên quyết yêu cầu tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời cương vị. Không quân Nga đã khởi động các chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria từ tháng 9/2015 theo sự đề nghị của chính quyền Assad, và mới đây tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời ra lệnh bắt đầu rút quân về nước.
Theo Bộ ngoại giao Nga, phe đối lập Syria phải loại ra điều kiện về sự ra đi của ông Assad, và khẳng định Đại hội ở Sochi sẽ không trở thành một sân khấu cho những người phản đối tổng thống Syria.
Đặc sứ của tổng thống Putin tại Syria, ông Aleksandr Lavrentiev, nói nếu phe đối lập chỉ tới Sochi với ưu tiên là tước bỏ quyền lực của tổng thống Assad thì "không có chỗ cho chuyện đó".
Nói về vai trò của Liên hợp quốc (LHQ), Bộ ngoại giao Nga tái xác nhận đã mời Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura tới Sochi, nhưng chỉ với tư cách quan sát viên.
Chủ tịch Cơ quan truyền thông của Phe đối lập Syria, ông Ahmed Ramadan ngày 24/12 cáo buộc Nga có ý đồ thách thức người dân Syria và thế giới. Theo ông, những thỏa thuận đối nghịch với quyết định của cộng đồng quốc tế và những yêu cầu của người dân Syria sẽ không thể được thông qua.
Thời gian tổ chức Đại hội Sochi về hòa bình cho Syria xác định là ngày 29-30/1/2018, được thông qua tại vòng hòa đàm ở Astana ngày 22/12/2017 (Ảnh: Reuters)
Ông Hisham Marwa, đại diện Ủy ban đàm phán cấp cao của Phe đối lập, nói với Arab News: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, đó là từ chối bất kỳ vai trò nào của chính quyền Assad trong tương lai Syria, và chúng tôi không chấp nhận bất kỳ bên nào yêu cầu chúng tôi được hoặc không được nói gì".
"Người Nga muốn hiện thực hóa tầm nhìn của họ trong giải quyết khủng hoảng Syria theo cách phục vụ cho lợi ích của họ và chính phủ Syria [của ông Assad]."
"Người dân Syria, chứ không phải người Nga hay người Iran, sẽ quyết định tương lai của mình và bản chất của bất kỳ hệ thống chính trị nào sẽ quản lý đất nước trong tương lai."
Phát ngôn viên phe đối lập Yahya Al-Aridi cho hay hiện chưa có gì rõ ràng về tính chất của Đại hội Sochi. "Nội dung [Đại hội] chưa rõ. Các mục đích và mục tiêu chưa được đặt ra. Danh sách tham gia chưa có. Các giấy mời chưa được gửi," ông nói.
Ông Aridi nói Nga có thể yêu cầu thêm những bên tham gia không thảo luận về sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria.
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria - nếu được tổ chức - sẽ mở ra kênh đàm phán thứ 4 giữa các bên trong cuộc khủng hoảng Syria.
Trước đó, kênh hòa đàm chính thức do LHQ bảo trợ, tổ chức ở Geneva, đã bị "cạnh tranh" bởi vòng hòa đàm do ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Thời gian tổ chức Đại hội Sochi được công bố tại Astana sau vòng đối thoại mới nhất hôm 22/12.
Một kênh đối thoại khác cũng được Nga mở ra thông qua Ai Cập. Cairo đã cung cấp nền tảng cho những nhà cải cách Syria được nhìn nhận là có thể chấp nhận được đối với chính quyền Damascus.
Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura phát biểu sau cuộc họp ở Astana, "LHQ giữ quan điểm rằng bất kỳ sáng kiến chính trị nào bởi các bên quốc tế cần được đánh giá bằng khả năng đóng góp và hỗ trợ cho tiến trình chính trị được bảo trợ bởi LHQ tại Geneva".
Nga ủng hộ tổng thống Assad nắm quyền tại Syria (Ảnh: AP)
Thổ Nhĩ Kỳ không còn chống lại ông Assad
Là một bên hợp tác với Nga trong cơ chế hòa đàm Astana, buộc ông Assad ra đi không còn là ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong các diễn biến ở Syria.
Serhat Erkmen, chuyên gia về Trung Đông tại Viện nghiên cứu Thế kỷ 21 Thổ Nhĩ Kỳ, đánh giá "ở các tuyên bố Ankara không từ bỏ mục tiêu thay đổi ban lãnh đạo [Syria]. Nhưng, xét đến các động thái ở Syria, ông Assad có thể đóng vai trò đối trọng với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố".
Tổng thống Assad gần đây cho thấy phản ứng cứng rắn nhằm vào YPG và gọi nhóm này là "những kẻ phản bội".
"Mới đây Ankara đã đàm phán gián tiếp với các đại diện của chính quyền Assad tại những phiên họp ở Astana," ông Erkmen nói.
Mete Sohtaoglu, nhà nghiên cứu ở Istanbul, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn ông Assad ra đi, nhưng theo cách thức chính thống và hợp lệ.
"Ankara có kế hoạch thay thế Assad theo cách chính thức thông qua các hòm phiếu trong và ngoài Syria, với sự giám sát của LHQ," ông nói với Arab News.
Bora Bayraktar, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Kultur Istanbul, thì cho rằng Ankara thực ra không lùi bước trong lập trường về chính quyền Assad, nhưng chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã hiểu rõ thực tế và thay đổi các ưu tiên của mình.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng giải quyết vấn đề chính quyền ở Syria thông qua lộ trình chuyển giao. Thổ không có chính sách tích cực nhằm tước bỏ quyền lực của ông Assad, mà chỉ hỗ trợ phe đối lập và soạn thảo hiến pháp mới," ông Bayraktar bình luận.
Đối với Ankara, ưu tiên hiện nay là an ninh biên giới và giải quyết vấn đề YPG cùng đồng minh chính trị đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), vốn bị chính quyền Erdogan coi là đe dọa trực tiếp do có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Như một sự thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ, PYD sẽ không được mời tới Đại hội về Syria ở Sochi, thay vào đó là các đại diện khác của người Kurd.
Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran gặp nhau tại Sochi ngày 22/11/2017 bàn giải pháp chính trị cho Syria