Putin: Nga không chạy đua với Mỹ bằng "cơ bắp quân sự", mà sẽ dẫn đầu nhờ trí tuệ nhân tạo

Hải Võ |

Theo ông Putin, hệ thống vũ khí hiện đại và không cần duy trì nhiều căn cứ ở nước ngoài là các nhân tố giúp quân đội Nga bảo vệ đất nước, bất chấp ngân sách eo hẹp hơn Mỹ/NATO.

"Dùng trí óc"

Hôm thứ Sáu, 22/12, tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ cuộc phòng nước này tại Viện tên lửa chiến lược ở phía đông thủ đô Moskva. Cơ sở này là nơi đào tạo các sĩ quan của Nga chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Theo RT, địa điểm tổ chức hội nghị thảo luận các thành quả quân sự của Nga trong năm 2017 và các kế hoạch tương lai, mang tính biểu tượng rõ nét. Ông Putin nhân cơ hội này để nêu ra tầm nhìn cho quân đội Nga - một lực lượng nhỏ gọn, linh hoạt, trang bị tốt và chuyên nghiệp, với công nghệ tân tiến cho phép đối đầu với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự với nguồn kinh phí đồ sộ hơn nhiều so với Nga.

"Nước Nga phải nằm trong các nước dẫn đầu - và ở một số lĩnh vực phải là nước đứng đầu tuyệt đối - trong việc xây dựng một đội quân thế hệ mới, đội quân với hình mẫu công nghệ mới. Đây là ưu tiên cao nhất để bảo đảm chủ quyền, hòa bình và an toàn cho các công dân của chúng ta, cho sự phát triển ổn định của đất nước, để theo đuổi chính sách ngoại giao mở-độc lập dựa trên các lợi ích quốc gia," ông Putin nói với các tướng lĩnh.

Tổng thống so sánh dự chi quốc phòng của Nga trong năm 2018 - vào khoảng 80 tỉ USD, tương tương khoảng 2.85% GDP theo dự báo của chính phủ Nga, với ngân sách khổng lồ hơn 700 tỉ USD mà Mỹ quyết định chi ra. Ông khẳng định sự chênh lệch áp đảo này chỉ có thể được san bằng nếu Nga bảo vệ chính mình "bằng trí óc".

"Chúng ta phải thông minh. Chúng ta sẽ không đơn thuần dựa vào 'cơ bắp quân sự', và ta sẽ không để bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa và tiêu hao về kinh tế," ông nói. "Chúng ta không cần vô số căn cứ quân sự rải khắp thế giới, và sẽ không chơi trò chơi 'cảnh sát quốc tế'."

Putin: Nga không chạy đua với Mỹ bằng cơ bắp quân sự, mà sẽ dẫn đầu nhờ trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Igor Zarembo/Sputnik)

Ứng dụng trí thông minh nhân tạo

RT cho hay, khái niệm "hình mẫu công nghệ" được ông Putin đưa ra từ học thuyết cho rằng một xã hội tự tổ chức dựa trên các công nghệ then chốt xác định. Theo thuyết này, hình mẫu thứ 5 hiện tại - ra đời nhờ các tiến bộ trong công nghệ số và vi điện tử - đang trong quá trình được thay thế bởi một hình mẫu mới của tương lai, mặc dù các công nghệ "lõi" định hình cho mẫu mới này còn chưa lộ diện.

Công nghệ sinh học, trí thông minh nhân tạo, và kỹ thuật sản xuất nano được cho là các "ứng cử viên" cho thế hệ mới.

Trước đây tổng thống Putin từng tỏ rõ sự hào hứng với trí thông minh nhân tạo (AI). Ông nói rằng công nghệ này sẽ giúp quốc gia làm chủ nó "thống trị thế giới". Các chuyên gia nói với RT rằng nhiều khả năng AI sẽ đóng vai trò thiết yếu trong tương lai của quân đội Nga. Trên thực tế, một số thuật toán tính chất tương tự đã được sử dụng cho mục đích quân sự.

Chuyên gia quân sự Nga Aleksey Leonkov nêu ví dụ về trung tâm chỉ huy mới của quân đội Nga, đưa vào sử dụng từ ba năm trước, "đã có nhiều yếu tố có thể được gọi là 'có liên quan tới AI'".

Ông cho hay, các thuật toán tự đào tạo được sử dụng để phân tích và tổng hợp lượng dữ liệu khổng lồ mà trung tâm nhận được từ vô số nguồn tin quân sự và thường dân, từ các báo cáo của chỉ huy căn cứ, hình ảnh vệ tinh cho đến số liệu quốc gia. Cách tiếp cận dựa trên sự hỗ trợ từ máy tính có thể tăng đáng kể tính hiệu quả cho hoạt động hậu cần.

"Công tác hậu cần cho chiến dịch ở Syria liên quan tới cung cấp và vận chuyển số lượng lớn hàng hóa theo cách thức tối ưu nhất về kinh tế. Dòng dữ liệu chi tiết về sử dụng và vận chuyển đạn dược đã được xử lý bằng các thuật toán AI," Leonkov nói.

Vấn đề kinh tế thường là nhân tố trọng yếu trong quân sự. Ví dụ, các máy bay không người lái trở thành rắc rối không phải bởi vì khó bắn hạ chúng, mà do việc bắn hạ bằng tên lửa đất đối không là không phù hợp về kinh tế so với việc bắn rơi các chiến đấu cơ trị giá nhiều triệu USD.

Tổng thống Nga ra lệnh rút quân khỏi Syria.

Tự động nhận diện đe dọa

Một lĩnh vực khác phù hợp áp dụng công nghệ AI là nhận diện tự động các mối đe dọa.

Chuyên gia Leonkov cho biết công nghệ này "được thử nghiệm lần đầu tiên với các dữ liệu đơn giản như hình ảnh vệ tinh và khí quyển, và nay được sử dụng cho các trạm radar".

"Xác định đâu là mối đe dọa trong số hàng ngàn thực thể khác nhau là công việc mà AI làm tốt," ông đánh giá. Các ứng dụng của AI còn có thể triển khai trong các hệ thống cá nhân. Một hệ thống phòng không cũng có thể dùng AI để phân loại mục tiêu và lựa chọn mục tiêu để tiếp cận đầu tiên, đợi hoặc xác định đâu chỉ là "mồi nhử".

Theo ông Leonkov, trình độ công nghệ hiện nay chưa cho phép "robot hóa" đầy đủ các hệ thống máy tính có thể vận hành tốt hơn thủ công. Ngay cả một xe tăng tự động tốt cũng sẽ bị đánh bại trong thực chiến bởi một nhóm binh sĩ tinh nhuệ. Nhưng một đội ngũ giỏi được hỗ trợ bởi thuật toán AI để quan sát điều kiện thực chiến tốt hơn sẽ có được ưu thế.

RT chỉ ra, ngay cả các phương tiện điều khiển từ xa như các máy bay không người lái để trinh sát hoặc tấn công của Mỹ, Nga, Iran... cũng có thể bị hack, cho thấy còn nhiều khiếm khuyết so với máy bay do phi công điều khiển.

Nhân tố này được các nhà chiến lược quân sự cân nhắc kỹ khi họ quyết định nên kiểm soát đến mức nào đối với hệ thống vũ khí, và có thể "trao quyền" cho máy tính đến đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại