"Trong 10 năm gần đây, Nga đã tăng cường phát triển các dự án quân sự tại Bắc Cực. Bộ Quốc Phòng Nga đang xây dựng các căn cứ và sân bay trên những hòn đảo phía Bắc xa xôi dưới sự hỗ trợ của đội tàu phá băng nguyên tử lớn nhất trên thế giới.
Những nước phương Tây có tham vọng ở Bắc Cực đang cố gắng để không bị tụt hậu trong cuộc đua với Nga. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi quyền kiểm soát Bắc Cực mang lại rất nhiều lợi thế quan trọng về kinh tế, quân sự và chính trị" - Đó là nhận định được đưa ra trong bài viết mới đây trên RIA Novosti.
Khu vực trọng điểm
Theo một số chuyên gia, Nga đang theo đuổi 3 mục tiêu khi tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực.
Thứ nhất, Nga muốn đạt được quyền kiểm soát tuyến đường biển phía Bắc như một tuyến giao thông vận tải đường thủy quan trọng nhất. Chỉ trong năm 2016, các tàu của Nga đã vận chuyển 7,26 triệu tấn hàng hoá, vượt quá các chỉ số của thời kỳ Xô Viết.
Thứ hai, Nga muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình tại Bắc Băng Dương, gồm dầu và khí đốt. Đây là những thứ mà các quốc gia khác đang có tham vọng ở Bắc Cực như Mỹ, Canada, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch thèm muốn từ lâu.
Thứ ba, vùng nước của Bắc Băng Dương là một khu vực khá phức tạp đối với Nga về khía cạnh an ninh. Biên giới kéo dài của Nga ở phía Bắc sẽ khiến Nga dễ bị tổn thương trước sự gây hấn từ hướng này.
Sự hiện diện quân sự của Nga tại Bắc Cực, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống tấn công chiến lược, sẽ ngăn chặn đội tàu của kẻ địch tiến vào khu vực. Và hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới lạnh nhất của Nga do Hạm đội Phương Bắc thuộc Bộ chỉ huy chiến lược thống nhất Phương Bắc đảm nhiệm.
Những "lá bài" chủ chốt
Cách đây 40 năm, ngày 17-8-1977, tàu phá băng nguyên tử của Liên Xô Arctica đã trở thành chiếc tàu nổi đầu tiên trên thế giới "đặt chân" đến Bắc Cực. Arctica, với lượng giãn nước 23,5 nghìn tấn, đã khởi hành từ Murmansk vào ngày 9-8-1977, đạt đến điểm đích trên vĩ tuyến thứ 90 chỉ trong vòng 8 ngày.
Thời gian đã chứng minh rằng, cuộc thám hiểm này không chỉ là bước đột phá trong lĩnh vực khoa học- kỹ thuật đối với Liên Xô mà còn là một thành tựu quân sự quan trọng.
Arctica với khả năng di chuyển trên bề mặt lớp băng có "tuổi thọ" lâu đời đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Liên Xô đảm bảo cho sự hiện diện của đội tàu Hải quân và công tác hậu cần cho các căn cứ quân sự trong khu vực chiến lược chủ chốt của hành tinh.
Năm nay, trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ công chúng đã được chiêm ngưỡng các phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không dành riêng cho khu vực Bắc Cực, gồm có tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2DT, tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-SA.
Thiết bị bộ binh dành riêng cho khu vực Bắc Cực này được lắp trên các xe bánh xích DT-30 Vityaz có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp đến -55 độ C.
Tàu phá băng Ilya Muromets chạy bằng động cơ điện- diesel. Nguồn: RIA Novosti
Lữ đoàn cơ giới Bắc Cực số 80 - lữ đoàn bộ binh Bắc Cực đầu tiên của Nga hiện đang đồn trú tại làng Alakurtti thuộc tỉnh Murmansk có kho vũ khí độc đáo. Lữ đoàn hiện sử dụng những chiếc xe Trekol với khả năng di chuyển trên mọi địa hình gồ ghề mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Ngoài ra, các binh lính của Lữ đoàn cơ giới Bắc Cực số 80 được trang bị xe vận tải quân sự Ural và KAMAZ, thích nghi với điều kiện nhiệt độ cực thấp; xe trượt tuyết TTM-1901 Berkut có cabin sưởi ấm; tàu đệm không khí, cùng với các con vật như chó và tuần lộc.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, những loài vật kéo xe này đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và chở binh lính, chúng đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng phủ Bắc Cực.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang phát triển các phiên bản nâng cấp đặc biệt của xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và trực thăng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho Lữ đoàn cơ giới Bắc Cực , cụ thể là trực thăng Mi-8AMTSh-VA với hệ thống sưởi ấm đặc biệt.
Không thể không đề cập đến những chiếc tàu phá băng mới. Trong năm 2017, Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga sẽ tiếp nhận tàu phá băng Ilya Muromets chạy bằng động cơ điện- diesel. Ngoài nhiệm vụ chính là tham gia hộ tống hoặc kéo tàu trong điều kiện băng dày đến 1m, Ilya Muromets còn có thể vận chuyển hàng hóa và tham gia vào công tác cứu hộ.
"Ngôi nhà nhỏ" tại phương Bắc
Hiện nay Nga là quốc gia duy nhất có căn cứ quân sự ở Bắc Cực. Được xây dựng trên hòn đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Băng Dương, căn cứ Arctic Shamrock ( Cỏ ba lá Bắc Cực) giữ vai trò đảm bảo sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực Bắc Cực.
Tọa lạc trên diện tích 14.000m2, căn cứ quân sự Arctic Shamrock luôn vững vàng trước gió rét dưới 0 độ C. Tổ hợp kiến trúc này được bao phủ bởi màu đỏ, trắng, xanh chủ đạo dựa trên quốc kỳ Nga.
Căn cứ là một khu phức hợp khép kín với các tòa nhà được nối với nhau bằng hệ thống lối đi trong nhà nhằm đảo bảo điều kiện sống và làm việc cho các quân nhân tại một khu vực thời tiết khắc nghiệt.
Căn cứ quân sự Arctic Shamrock của Nga trên hòn đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Băng Dương. Nguồn: RIA Novosti
Để vận hành Arctic Shamrock cần tới một nguồn năng lượng không nhỏ, do đó căn cứ quân sự này còn duy trì một kho chứa nhiên liệu khá lớn không chỉ phục vụ cho nó mà còn cho các hoạt động quân sự khác của Nga tại Bắc Cực.
Arctic Shamrock đảm bảo cuộc sống độc lập và tiện nghi cho 150 binh sĩ đồn trú trong vòng 18 tháng. Bộ Quốc phòng Nga hiện đang dự kiến xây 13 sân bay ở khu vực này.
Vài năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới dành nhiều sự quan tâm hơn đến Bắc Cực, khi hiện tượng Trái Đất ấm lên khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn, mở ra nhiều tuyến đường mà tàu thuyền có thể qua lại và tạo điều kiện khai thác những nguồn tài nguyên dưới biển.
Chính vì vậy, hiện nay Nga dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực, củng cố tiềm lực quân sự nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia ở vùng đất lạnh giá này.