Bộ tứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tương lai

Thùy Linh |

Các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ trong nhiều năm qua đã cố gắng tạo ra bước đột phá về công nghệ, nhằm bảo đảm ưu thế của mình trước đối phương trong trận chiến tương lai.

Dưới đây là 4 loại vũ khí được đánh giá có thể tạo ra bước ngoặt trong các cuộc chiến tương lai theo đánh giá của RIA Novosti.

Pháo điện từ Railgun

Bộ tứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tương lai - Ảnh 1.

Mỹ đang xem xét việc lắp đặt pháo điện từ trên tàu khu trục lớp Zumwalt vào năm 2020

Pháo điện từ railgun được coi là một trong những vũ khí tiềm năng của tương lai, sử dụng dây dẫn bị nhiễm điện thay vì thuốc súng hay chất nổ. Do đầu đạn có tốc độ rất cao, pháo điện từ có thể gây cho đối phương những thương tổn chí mạng.

Năm 2016, các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Công nghệ Nga đã thử nghiệm bắn đạn từ pháo điện từ railgun vào một mục tiêu đặc bằng nhôm. Đạn làm bằng nhựa trọng lượng 15 gram di chuyển với tốc độ 3 km/s. Kết quả thu được rất khả quan. Sau phát bắn, trên khối nhôm đặc xuất hiện vết lõm sâu do đạn nhựa gây ra. 

Các nhà khoa học cho rằng trong tương lai không xa, pháo điện từ sẽ được sử dụng như một vũ khí uy lực trên chiến trường. Ngoài ra, họ còn hy vọng có thể sử dụng nó để bắn hạ các vật thể bay vũ trụ tiềm ẩn nguy cơ va chạm với trái đất.

Trong lĩnh vực quân sự, Hải quân Mỹ đang xem xét việc lắp đặt vũ khí này trên các tàu khu trục mới lớp Zumwalt vào năm 2020. Về lý thuyết, tàu chiến mang railgun tấn công được mục tiêu cả ở trên bộ, trên biển và trên không với độ chính xác cao, tạo lợi thế lớn trên chiến trường.

Vũ khí siêu thanh

Bộ tứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tương lai - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Waverider của Mỹ

Theo một số chuyên gia quân sự, việc xuất hiện tên lửa siêu thanh Zircon (Nga) sẽ dẫn đến thực tế là vai trò của tàu sân bay Mỹ bị suy yếu đáng kể so với các tàu tuần dương hạt nhân và tàu ngầm của Nga mà dự kiến sẽ được trang bị loại tên lửa này.

Nhưng đừng quên rằng người Mỹ cũng đang phát triển hệ thống tương tự. Đó là tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Waverider của Tập đoàn Boeing.

X-51 Waverider đã được thử nghiệm từ năm 2010, thông tin về tình trạng sẵn sàng sản xuất của vũ khí này vẫn chưa được tiết lộ. Trong đợt thử nghiệm năm 2013, X-51 Waverider đã đạt tốc độ tối đa 5.500 km/h. Dự kiến nó sẽ được đưa vào biên chế từ cuối năm 2017.

Vũ khí viba

Bộ tứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tương lai - Ảnh 3.

Hệ thống từ chối chủ động (Active Denial System - ADS) của Mỹ

Từ cuối những năm 1990, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra thứ vũ khí có thể lấy đi khả năng chiến đấu của quân địch mà không gây nguy hiểm cho họ. Đó là Hệ thống Từ chối chủ động (Active Denial System - ADS).

ADS sử dụng luồng sóng điện từ tần suất cao để tạo cảm giác bỏng rát trên da nạn nhân. Sau 5 giây, họ sẽ không còn muốn chiến đấu, hoảng loạn rồi chạy trốn.

Thiết bị này thường được gắn trên xe quân sự Hummer hoặc xe bọc thép Stryker. Tuy nhiên, ADS không được sử dụng rộng rãi trong lực lượng vũ trang, mà chỉ hạn chế cho các cơ quan thực thi pháp luật như một phương tiện để giải tán đám đông.

Vũ khí laser

Bộ tứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến tương lai - Ảnh 4.

Súng bắn laser cầm tay của Liên Xô dành cho các nhà du hành vũ trụ

Từ thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ đã tiến hành nghiên cứu vũ khí laser. Để tạo ra sức mạnh hủy diệt cho tia laser, cần nhiều nguồn năng lượng.

Chương trình nghiên cứu vũ khí laser tập trung vào việc phát triển các hệ thống di động và cố định trên đất liền, trên biển và trên không. Mục tiêu là đánh bại tên lửa đạn đạo, gây ảnh hưởng cho vệ tinh và dụng cụ quang học, chống lại máy bay không người lái, tàu nhỏ, làm chói mắt quân địch.

Đầu những năm 2000, Không quân Mỹ quyết định thử nghiệm dự án gắn thiết bị phóng tia laser công suất 1 megawatt cho một máy bay dân sự được cải tiến đặc biệt nhằm phát triển vũ khí trên không có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang di chuyển.

Chương trình này mang tên Dự án thử nghiệm laser trên không Boeing YAL-1, với trọng tâm là một chiếc Boeing-747 bổ sung bộ phận hình bầu dục để bắn chùm tia laser hóa học iodine oxy gắn ở mũi máy bay.

Trong các cuộc thử nghiệm, YAL-1 đã bắn rơi nhiều mục tiêu, nhưng Lầu Năm Góc đã nhận ra nhiều điểm yếu lớn của vũ khí này, đó là chi phí quá cao và khả năng áp dụng trong thực tiễn rất thấp.

Với những lý do trên, Mỹ quyết định hủy bỏ dự án này vào năm 2011. Tuy vậy, Quân đội Mỹ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu một số dự án vũ khí laser đầy hứa hẹn khác.

Hiện nay có ít thông tin về chương trình chế tạo vũ khí laser ở nước Nga đương đại. Vào năm 2014, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Yuri Baluyevsky nói rằng, chương trình nghiên cứu vũ khí laser đang được tiến hành, nhưng không giải thích chi tiết.

Lùi về quá khứ, vào thập niên 1980, Liên Xô đã phát triển súng bắn tia laser cầm tay dành cho các nhà du hành vũ trụ.

Loại vũ khí này sử dụng đạn nháy, chức năng chính là làm tê liệt hệ thống cảm ứng quang học của tàu không gian kẻ thù hoặc các vệ tinh. Tia laser của thiết bị trên đủ năng lượng để thiêu đốt tấm chắn mũ bảo hiểm, hoặc làm mù mắt người trong khoảng cách gần 20 m./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại