Thông tin từ báo cáo cuối năm 2016 của công ty Uralvagonzavod cho biết, đơn hàng của Việt Nam bao gồm 64 chiếc T-90S và cả phiên bản xe tăng chỉ huy T-90SK, số lượng trên đủ để biên chế cho hai tiểu đoàn.
T-90 là dòng chiến xa rất hiện đại, cho nên dĩ nhiên mức giá của nó không hề rẻ. Trong tương lai có thể Việt Nam sẽ đặt hàng một vài lô tiếp theo nhưng chắc chắn số lượng không thể lớn đến mức đủ thay thế hoàn toàn T-54/55 trong vai trò "nắm đấm thép" xương sống của Lục quân, mà chỉ đảm nhiệm vị trí mũi nhọn chủ lực.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M (trái) cùng T-90A (phải) tại thao trường Alabino
Thực tế hiện nay trên thế giới, nếu không phải là một siêu cường quân sự như Mỹ, hay quy mô lực lượng tăng - thiết giáp tương đối nhỏ, thì mô hình lý tưởng vẫn là sử dụng lượng vừa phải xe tăng hiện đại làm chủ lực rồi nâng cấp những thế hệ xe đời cũ hơn để phối hợp tác chiến trong đội hình.
Những ví dụ tiêu biểu có thể kể ra đây đó là Nga đang nâng cấp hàng loạt xe tăng T-72B lên chuẩn T-72B3 và T-72B3M với tính năng tiệm cận T-90, hay ngay cạnh Việt Nam, mặc dù đã chế tạo được hai dòng chiến xa rất mạnh là Type 96 và Type 99 nhưng Trung Quốc vẫn duy trì hàng ngàn chiếc Type 59 hiện đại hóa (phiên bản Type 59D/G).
Xe tăng Type 59D của Trung Quốc, phiên bản này sử dụng pháo nòng xoắn 105 mm, bổ sung giáp phản ứng nổ quanh tháp pháo và ở mặt trước
Quay trở lại trường hợp Việt Nam, những năm qua thông tin về việc chúng ta tiến hành nâng cấp xe tăng T-54/55 xuất hiện khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ nguyên mẫu T-55M3 ban đầu mang pháo M68 105 mm, cho đến biến thể hiện tại giữ nguyên pháo D-10T2S cỡ 100 mm là cả một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm túc để tìm ra cấu hình tối ưu.
Dễ nhận thấy Việt Nam đang đi theo con đường mà nhiều cường quốc quân sự đã áp dụng thành công. Việc lựa chọn T-90S/SK làm chủ lực, rồi để T-54/55 nâng cấp đi trong biên đội sẽ tạo ra hình thức hiệp đồng cao - thấp hợp lý, tỏ ra đặc biệt phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Một lý do nữa để tin tưởng vào bộ đôi trên, đó là Nga không cho thấy ý định sẽ xuất khẩu T-72B3 để bảo vệ thị phần của T-90S/MS mà họ đang tích cực chào bán, nhằm duy trì dây chuyền lắp ráp trong khi chờ đợi T-14 Armata được sản xuất hàng loạt.
Xe tăng T-90S/SK và T-55M3 sẽ tạo thành bộ đôi "nắm đấm thép" tương lai của Lục quân Việt Nam
Sự bổ sung xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK cùng với T-54/55 nâng cấp sẽ giúp cho Bộ binh Việt Nam lấy lại vị thế của lực lượng hàng đầu khu vực như thời kỳ thập niên 1970 - 1980.
Đồng thời Lục quân Việt Nam sẽ sánh vai cùng với Hải quân, Phòng không - Không quân, Đặc công, Thông tin liên lạc trên con đường tiến lên hiện đại, để trở nên một quân đội có sức mạnh toàn diện.