Ô tô chen chúc trên đường phố Kiev, Ukraine vào hôm 16-12, khi một sự cố giao thông xảy ra do tàu điện ngầm ngừng hoạt động trong lúc mất điện - Ảnh: REUTERS
Ngày 16-12, Nga lại thực hiện một đợt tấn công bằng tên lửa quy mô lớn (76 quả tên lửa) vào nhiều nơi trên khắp Ukraine, khiến toàn bộ lãnh thổ nước này ở trong tình trạng báo động không kích. "Nga đặt mục tiêu khiến người dân Ukraine không có ánh sáng, nước và nhiệt sưởi ấm" - Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói.
Nguy cơ mất một nửa GDP
Loạt tấn công mới nhất diễn ra sau khi truyền thông Mỹ tuần này loan tin Washington chuẩn bị chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Hôm 15-12, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo mọi vũ khí phương Tây cấp cho Kiev đều là mục tiêu hợp pháp của Matxcơva.
Nga đã thực hiện nhiều đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine như hạ tầng năng lượng kể từ tháng 10 năm nay. Các cuộc tấn công phá hủy nhiều công trình, gây mất điện trên khắp Ukraine và được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế nước này.
Trong tuần, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal dự báo GDP của Ukraine có thể giảm 50% trong năm 2022 nếu Nga tiếp tục tấn công vào lưới điện quốc gia và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. "Dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ giảm ở mức 35 - 40%", ông Denys Shmyhal nói.
Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, "chúng tôi có thể mất thêm 10% so với những con số này, tức là lên tới 50% GDP của chúng tôi", ông Denys Shmyhal nói tiếp. Chính phủ Ukraine ước tính thiệt hại do chiến tranh gây ra có thể lên tới 700 tỉ USD vào cuối năm nay. Mọi lĩnh vực kinh tế Ukraine đều bị ảnh hưởng.
Trong cuộc họp kín tuần trước tại Ngân hàng Quốc gia Ukraine, giới chức ngân hàng trung ương nước này đã bàn thảo về những tình huống có thể xảy ra nếu các cuộc tấn công của Nga gia tăng.
Một kịch bản là người dân có thể sẽ mang theo tiền của kéo nhau rời khỏi Ukraine, từ đó ảnh hưởng mạnh tới đồng nội tệ khi người dân tìm cách đổi đồng hryvnia của Ukraine để lấy euro hoặc USD.
Chính phủ Ukraine có thể sẽ rơi vào tình trạng không có đủ dự trữ ngoại hối để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu và không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ nước ngoài. Trong một kịch bản tồi tệ khác, nền kinh tế Ukraine có thể giảm thêm 5% trong năm 2023, theo báo Washington Post.
Ukraine muốn thêm viện trợ
Trước khi các đợt tấn công của Nga nhằm vào hạ tầng năng lượng Ukraine diễn ra, dự kiến Kiev cần nước ngoài viện trợ ít nhất 55 tỉ USD trong năm tới để đáp ứng các chi phí cơ bản. Đó là mức nhiều hơn toàn bộ chi tiêu hằng năm trước chiến tranh của Ukraine. Một số quan chức Ukraine tin rằng lúc này họ có thể sẽ cần thêm 2 tỉ USD mỗi tháng.
"Bạn sẽ làm gì khi không thể sưởi ấm ngôi nhà, không thể vận hành các cửa hàng, nhà máy hay xí nghiệp, và khi nền kinh tế của bạn không hoạt động?" - ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, đặt vấn đề. Ông cho biết Ukraine sẽ đề nghị nước ngoài viện trợ tài chính nhiều hơn.
Hôm 13-12, khoảng 70 quốc gia và tổ chức trên khắp thế giới đã cam kết viện trợ ngay lập tức hơn 1 tỉ euro (1,05 tỉ USD) để giúp Ukraine vượt qua mùa đông khắc nghiệt, theo Hãng tin Reuters. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng hứa sẽ gửi hơn 30 tỉ USD tới Ukraine trong năm 2023.
Hồi tháng 9, các quan chức Liên Hiệp Quốc ước tính gần 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, một số khoản viện trợ hứa hẹn dành cho Ukraine trong năm nay đã bị gửi chậm, buộc Kiev phải in tiền và phá giá đồng nội tệ để đảm bảo nền kinh tế duy trì tính cạnh tranh, nhưng cũng vì thế đã khiến lạm phát tăng hơn 20%.
Giờ đây khi nhiều hệ thống năng lượng đã bị thiệt hại, Ukraine và các đối tác phải đối mặt với những thách thức đau đầu. Các trụ cột chính của nền kinh tế Ukraine như khai thác than, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin sẽ không thể hoạt động nếu không có điện hoặc mạng Internet. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo tỉ lệ dân số nghèo đói ở Ukraine có thể tăng gấp 10 lần, trong khi tỉ lệ thất nghiệp - hiện đã gần 30% - có thể còn tăng cao hơn nữa.
"Trong trường hợp mất điện hoàn toàn trong thời gian dài hơn, chúng tôi chắc chắn sẽ cần thêm nguồn lực để tránh thảm họa nhân đạo" - ông Sergiy Nikolaychuk, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine, cho biết.
Ông Putin cảnh báo chiến tranh có thể kéo dài
Theo Hãng tin Tass, ngày 16-12 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Ban tham mưu chung của các quân chủng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ông Putin đã lắng nghe đề xuất của các chỉ huy quân đội về những hành động có thể diễn ra trong ngắn hạn và trung hạn.
Chuyến thăm diễn ra sau khi tuần trước ông Putin cảnh báo chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "có thể là một quá trình lâu dài". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng đến nay Matxcơva đã giành một số thắng lợi lớn khi Nga sáp nhập được bốn vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ của họ.