Trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, bà Lena Phoenix hầu như chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để mở rộng việc kinh doanh giày dép của gia đình.
Giờ đây, bà sẽ phải tìm cách xoay sở với mức thuế mà Tổng thống Trump vừa áp đặt. Vòng thuế mới nhất có hiệu lực vào ngày 1/9, làm tăng đáng kể chi phí mà người Mỹ phải trả cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có giày và dép do công ty của bà Phoenix - Xero Shoes.
Ông Trump cho rằng thuế quan của mình sẽ buộc các công ty Mỹ từ bỏ Trung Quốc để hồi hương. Bà Phoenix quả là đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nhà máy Trung Quốc: "Nhưng Hoa Kỳ thì không khả thi", bà nói. Thuế quan đã buộc bà phải tạm thời cắt giảm sản lượng trong khi tìm kiếm các điểm đến ở Đông Nam Á.
Câu chuyện về Xero Shoes chính là sự phản bác đối với quan điểm "thuế quan là chìa khóa hồi sinh sản xuất của Mỹ" của ông Trump, và quan điểm đó thậm chí có thể gây thiệt hại cho chính nước Mỹ khi phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều thương hiệu Mỹ vẫn đang sử dụng các nhà máy Trung Quốc để sản xuất hàng hóa. Các nhà máy Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các bộ phận và thiết bị điện tử đầu vào.
Chad P. Bown, một chuyên gia thương mại quốc tế tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington nhận định: "Thật khó để tưởng tượng hai ngành giày và thời trang sẽ quay trở lại Hoa Kỳ chỉ vì Mỹ có nhiều lao động. Vấn đề quan trọng là tiền lương. Sản xuất ở nơi khác chắn chắn là rẻ hơn Mỹ. Ngay cả khi thuế quan thành công trong việc buộc các chuỗi sản xuất trở lại Mỹ, con người cũng chưa chắc có việc làm. Các công ty sẽ tìm ra cách sản xuất bằng robot và công nghệ".
Trong những tháng gần đây, Xero đã phản ứng với các mối đe dọa của ông Trump đúng với cái cách mà ông hy vọng: Họ đã dự tính di chuyển khỏi Trung Quốc.
"Nhưng cũng không thể là ở Mỹ. Tôi không đủ năng lực", bà Phoenix nói. Bà và chồng bắt đầu kinh doanh một thập kỷ trước bằng cách vay vốn. Họ không sở hữu hàng chục triệu USD - số tiền cần thiết để xây dựng nhà máy của riêng họ, ở Mỹ.
Thay vào đó, Xero đã nghiên cứu các lựa chọn thay thế. Việt Nam là lựa chọn đầu tiên, đã được đầu tư rất lớn khi các công ty đa quốc gia chuyển công việc sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.
Giày dép cũng là một trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 12 tỷ USD mặt hàng giày dép, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 4 về cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù hiện giờ, các khu công nghiệp ở Việt Nam đã khá đông đúc. Đại lý sản xuất của Xero ở châu Á đã đề nghị công ty xem xét Bangladesh, Indonesia và Kenya. Nhưng bà Phoenix, 51 tuổi, không biết gì về những nơi này, và những điểm đến mới khiến bà không mấy tin tưởng. Quá trình di dời rất rủi ro, tốn thời gian và tiền bạc: "Đây là một điều thực sự thách thức và nguy hiểm, và đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ. Nhà máy có thể bị chậm tiến độ, hàng hóa có thể gặp vấn đề về chất lượng".
Bà vô cùng thất vọng, cho rằng cuộc chiến thương mại dường như không chỉ vô ích mà còn gây thiệt hại: "Khi bạn càng phát triển thì thiệt hại sẽ càng nhiều. Những loại thuế quan này đang gây áp lực rất lớn đối với chúng tôi".
Khi ông Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại một năm trước, bà Phoenix và chồng cho rằng, Tổng thống sẽ không đánh thuế giày dép, vì Trung Quốc chiếm tới 70% số giày được bán ở Mỹ.
Nhưng vào đầu tháng 8, khi căng thẳng leo thang, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với giày dép do Trung Quốc sản xuất. Tuần trước, sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với 75 tỷ USD hàng Mỹ, ông Trump đã lên Twitter để tuyên bố rằng mức thuế này sẽ được tăng lên 15%.
Không chỉ có Xera, các nhà sản xuất giày dép cũng đã đồng loạt tìm kiếm trạm dừng chân mới. "Brooks Sports sẽ chuyển phần lớn các hoạt động sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam vì các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang kéo dài mà chưa có một kết quả chắc chắn nào", CEO Brooks Sports - ông Jim Weber tiết lộ.