"Nếu Nga ngừng cấp khí đốt, Châu Âu chỉ cầm cự được hơn 1 tuần"

Tất Đạt |

Theo báo La Stampa (Italy), nếu Nga ngừng cấp khí đốt tới Italy, thì chỉ sau 2 tuần, quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng khẩn cấp vì giá lạnh.

Trả lời RT, Petr Pushkarev, Trưởng đoàn Chuyên gia tại TeleTrade, ước tính: "Tại Italy, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm 37%. Tại Đức, con số này là khoảng 28%. Các công ty Đức có thể kéo dài thời gian cung cấp khí đốt nội địa lâu hơn Italy khoảng 1 tuần."

Vấn đề được báo La Stampa đặt ra sau vụ nổ nhà máy ga kinh hoàng ở Áo hôm 12/12 khiến 18 người bị thương và làm thiệt hại nghiêm trọng hệ thống khí đốt ở châu Âu.

Theo chuyên gia này, các nước châu Âu khác còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn cả Italy và Đức, và sẽ rơi vào khủng hoảng chỉ sau hơn 1 tuần.

Ông Pushkarev cho biết: "Các nước như Slovenia, Hy Lạp, và Hungary phụ thuộc từ 41% tới 45% vào khí đốt Nga. Nếu không có Nga, những quốc gia này sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng năng lượng sau 10 ngày".

Trong khi đó, Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia phụ thuộc gần như 100% vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, vị chuyên gia nói thêm.

Ivan Karyakin, nhà phân tích đầu tư tại Global FX, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực kết nối hệ thống đường dẫn khí đốt từ châu Âu, châu Á, và châu Phi vào Mạng lưới Xuyên Châu Âu (TEN) để đảm bảo nguồn dẫn khí đốt an toàn tới lục địa này.

Chiến lược tương tự cũng được công ty Gazprom của Nga tính tới. Mặc dù là một nhà cung cấp đường ống khí đốt, công ty này cũng đã nghĩ tới việc phát triển hệ thống khí ga hóa lỏng (LNG).

Vấn đề này không được toàn châu Âu đồng thuận. Các đồng minh của Nga ở EU là Áo, Hungary, Đức còn các ‘đối thủ’ là những quốc gia Bắc Âu, các nước Baltic và vài nước miền nam khác.

Ông Karyakin nói: "Nếu tập đoàn Gazprom thực hiện các dự án khí đốt, thì chắc chắn hệ thống từ Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng của châu Âu, và có thể cạnh tranh với hệ thống LNG từ Mỹ - Qatar. Chưa kể, giá khí đốt của Nga còn rẻ hơn khá nhiều".

Đường ống dẫn khí đốt North Stream 2. Nguồn: Youtube

Đây là lí do gói cấm vận Iran, Triều Tiên và Nga của Mỹ bao gồm cả việc cấm Nga cung cấp khí đốt tới châu Âu. Trong trường hợp này, Iran và Triều Tiên chỉ đóng vai trò cản trở Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga cùng nhiều dự án khí đốt thiên nhiên khác.

"Châu Âu chắc chắn hiểu việc thay thế đường ống khí đốt của Nga với hệ thống của Mỹ sẽ làm giảm an ninh năng lượng của EU. Có khả năng rất cao EU sẽ không từ bỏ việc cộng tác với Gazprom. Nhưng tập đoàn Gazprom cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại bởi các cấm vận và áp lực từ Mỹ. Các thử thách vẫn còn ở phía trước," chuyên gia Karyakin cho biết.

Theo ông Pushkarev, việc phát triển hệ thống cung cấp LNG từ Qatar và Mỹ là rất quan trọng với châu Âu, nhưng chỉ trong những tình huống khẩn cấp như vụ việc ở Áo.

Ông Pushkarev nói: "LNG khá đắt đỏ và có thể tốn kém hơn 50%-70% so với khí đốt thông thường. Vì vậy, Washington không có khả năng hạ gục được Nga trên thị trường khí đốt châu Âu. Vậy nên Mỹ đang tìm mọi cách để loại đối thủ ‘khó nhằn’ này."

Trogn năm qua, Mỹ đã tăng cường cung cấp LNG tới châu Âu. Tuy nhiên, tỉ lệ LNG của Mỹ mới chỉ chiếm 6% lượng nhập khẩu trong khi khí đốt Nga chiếm tới 34% toàn châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại