Hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đang tham chiến tại Ukraine - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo ngày 15-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Mỹ về các phản ứng tiềm tàng nếu cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine .
"Nếu Washington quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và sẽ trở thành một bên trực tiếp gây ra xung đột", bà Zakharova nêu vấn đề.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga kế đó nhấn mạnh Nga có quyền "bảo vệ lãnh thổ của mình" nhưng không nói rõ sẽ làm gì nếu Mỹ gửi thêm tên lửa cho Ukraine.
Washington đã công khai cung cấp cho Ukraine đạn rocket GMLRS tiên tiến, có thể phóng từ các hệ thống HIMARS và đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 80km.
Hệ thống HIMARS cũng có thể được sử dụng để bắn tên lửa chiến thuật ATACMS tầm bắn lên tới 300km. Hôm 19-8, một quan chức cấp cao của Ukraine từ chối cho biết liệu Kiev có ATACMS hay không.
Các quan chức Mỹ khẳng định Ukraine đã cam kết không sử dụng đạn rocket của Mỹ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Ukraine đã yêu cầu và nhận được một lượng lớn vũ khí từ Mỹ cùng các đồng minh phương Tây kể từ khi xung đột bùng nổ.
Theo tờ Financial Times, phương Tây đang thảo luận về việc cung cấp các chiến đấu cơ cho Ukraine trong trung và dài hạn.
Ý tưởng này từng được nêu ra hồi tháng 7 nhưng không đi đến đâu vì một số nước lo ngại Nga sẽ xem việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine là sự can dự vào xung đột.
Mỹ hiện là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Theo Nhà Trắng ngày 15-9, nước này đang chuẩn bị gửi thêm một gói viện trợ quân sự nữa cho Kiev nhưng không tiết lộ chi tiết.
Trong diễn biến khác liên quan, Đức cũng thông báo sẽ gửi thêm hai hệ thống pháo phản lực phóng loạt MARS II cùng 200 đạn rocket cho Ukraine.
Đức đã từ chối cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine với lý do chưa có nước nào làm như vậy. Trong thông báo ngày 15-9, Berlin xác nhận sẽ cung cấp 50 xe bọc thép chở quân Dingo cho Ukraine.