Và một trong những điều ước gây xót xa nhất đến từ đồng đội hiệp sĩ, anh Nguyễn Việt Sin:
"Nếu có một điều ước, tôi ước anh Thôi sẽ sống lại để tiếp tục chạy xe ôm và lo cho mẹ già ở Bình Định.
Nếu có một điều ước, tôi ước anh Nam sống lại, để được tổ chức đám cưới cùng người vợ sắp cưới của mình.
Nếu có một điều ước, tôi ước mình xuất hiện trong hoàn cảnh đó và đỡ giúp các anh những nhát dao chí mạng.
Những tên cướp sát nhân đã lấy đi tất cả những điều ước đó của tôi, nhìn những chàng trai (đồng đội) mạnh mẽ (hôm qua) đứng nép vào góc xe cấp cứu và khóc nức nở, tôi cũng không cầm được lòng mình".
Nến sẽ được thắp. Những bó hoa sẽ được đặt. Và nhiều hiệp sĩ đường phố can trường của chúng ta chắc chắn không lùi bước, không cúi đầu lặng thinh trước tội phạm. Nhưng phép màu sẽ không thể xảy ra đối với những người đã mất.
Xót thương họ, chúng ta lại thấy càng cần những phép màu hiện thực đối với những người đang sống.
Khi người ta đã dần quên câu hỏi: Tại sao cái vòi bạch tuộc của tập đoàn tội phạm Năm Cam lại vươn sâu được vào công an thành phố đến như vậy?, thì mỗi ngày, trước khi ra đường, người dân vẫn phải đặt câu hỏi: Tại sao cướp giật ở Sài Gòn lại chưa bị khống chế như ở Hà Nội?
Hẳn có người sẽ trách móc như lâu nay đã trách móc: Công an làm gì mà để dân thường phải trở thành hiệp sĩ?
Câu hỏi đó là cần thiết, nhưng câu trả lời là: Dù cho công an có làm tốt thì xã hội này vẫn cần những hiệp sĩ.
Nếu trên đời không xuất hiện Lục Vân Tiên, thì chứng tỏ xã hội ấy rất thiếu những người trượng nghĩa, quả cảm, tự trọng.
Nhưng một xã hội xuất hiện quá nhiều người buộc phải làm Lục Vân Tiên, thì câu hỏi về hiệu quả của cơ quan công quyền, sẽ lại được gióng lên.
Vấn đề hiệu quả thường đến từ hai nguyên nhân: Năng lực và trách nhiệm.
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền đã khiến dư luận xôn xao khi khẳng định năng lực của công an: "Cơ quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới".
Lực lượng công an đã chứng minh năng lực bằng nhiều vụ phá án xuất sắc nếu họ sử dụng tất cả sự mưu trí, dũng cảm, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm lớn vì dân.
Nếu đi ngược lại tinh thần ấy, dù năng lực có rất giỏi, họ sẽ nhanh chóng trượt ngã đau xót như Nguyễn Thanh Hoá, Phan Văn Vĩnh.
Khi Bí thư Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải phát biểu rằng "Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn", một số người đã băn khoăn.
Nhưng những người hiểu chuyện lại thấy đồng cảm. Nhìn những người Việt ở nước ngoài đánh dấu mình đã an toàn trên facebook trong vụ đâm chém điên cuồng ở Pháp hôm qua, trong những vụ khủng bố ở Mỹ, Anh trước đây, sẽ thấy rõ giá trị của hai chữ bình an.
Nên, nếu có một điều ước, tôi, người viết bài này, dù không sống ở Sài Gòn, vẫn ước: Công an mình rất giỏi, nhưng hãy nỗ lực biến cái giỏi ấy thành cuộc sống bình an hàng ngày cho dân.
Tôi ước người Sài Gòn ra đường được thảnh thơi giảm thiểu nỗi lo mất đồ như người Hà Nội.
Tôi ước công an thành phố sẽ làm hết sức để phá vụ án này, tóm gọn những kẻ sát nhân. Nhưng tôi biết nhiều người đang ước xa hơn: Không bao giờ thành phố đáng yêu này để xảy ra những chuyện đau lòng như thế.
Trở thành Singapore, Paris thứ hai làm gì nếu mỗi ngày ra đường vẫn phải lo nỗi lo cày mặt xuống đường khi bị cướp giật kéo ngã?
Trở thành Luân Đôn, Tokyo làm gì khi những hiệp sĩ còn không thể bảo vệ nổi chính bản thân mình?