Nữ hiệp sĩ 10 năm cưỡi sóng ra biển khơi cứu người

Quảng Đà |

Cách đây gần 10 năm, lúc đó một tàu Ấn Độ phát tín hiệu cứu nạn. Chị đi cùng Bộ đội Biên phòng ra cứu. Tàu chìm, 1 người tử vong, 11 còn lại suy kiệt, stress, thuyền trưởng thì hoảng loạn.

Phụ nữ đi biển có sợ không? "Quen rồi em ạ! Đã hơn 10 năm “ăn sóng nói gió” nên đã ngấm vào người rồi".

Đang nói chuyện, icom reo lên, chị bảo tiếp: "Chờ chị tý, lỡ bà con từ ngoài biển gọi về nhờ cấp cứu, mình phải nghe ngay". Đấy là những câu mở đầu cuộc trò chuyện giữa tôi với bác sĩ Phạm Thị Hồng (Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng).

Cưỡi sóng ra biển cứu người

Thời gian đã lâu nhưng chuyến đi biển đầu tiên chị vẫn nhớ mãi. Chị kể, cách đây hơn 10 năm, nhận được thông tin cầu cứu từ một tàu cá có 2 ngư dân gặp nạn.

Đài đang báo bão trên biển Đông, không chần chừ, chị xuống cảng Tiên Sa đi cùng Bộ đội Biên phòng ứng cứu. Đúng 11 giờ đêm xuất phát, vị trí tàu bị nạn cách bờ chừng 60 hải lý.

Từng đợt sóng vỗ lên boong tàu như muốn nuốt gọn, tàu chao lên, ập xuống liên tục. Chừng 30 phút, cơn say sóng bắt đầu ngấm vào người, chỉ nằm bẹp một chỗ. Sau 3 giờ đồng hồ, chị tiếp cận tàu bị nạn.

Giữa biển khơi, sóng lớn, tàu ngư dân và tàu Biên phòng không thể cập mạn. Do đó, phải dùng ca nô để tiếp cận đưa lực lượng cứu hộ sang tàu ngư dân. Với sự hỗ trợ của các chiến sĩ Biên phòng, chiếc cá nô đã tiếp cận 2 người bị nạn.

“Khi qua tàu cá này, tôi mới biết một ngư dân đã tử vong vì chấn thương quá nặng. Những ngư dân này khi nghe đài báo bão đã đi chằng, chống, cột lại những thứ trên tàu và không may bị nạn”, bác sĩ Hồng cho hay.

Chị kể tiếp, cũng cách đây gần 10 năm, lúc đó một tàu Ấn Độ phát tín hiệu cứu nạn. Chị đi cùng Bộ đội Biên phòng ra cứu. Tàu chìm, 1 người tử vong, 11 còn lại suy kiệt, stress, thuyền trưởng thì hoảng loạn.

Đến nơi sơ cấp cứu xong, rồi đưa họ về, đi hết một ngày mới đến bờ. Họ nói qua phiên dịch là ơn cứu mạng họ không bao giờ quên.

“Ra biển cứu người thì nhiều lắm nhưng chuyến biển mà tôi cho là khủng khiếp nhất là đi cấp cứu cho 1 ngư dân ở huyện Thăng Bình gặp nạn ở Hoàng Sa trong lúc chống chọi với bão.

Trưa hôm ấy, khi tàu 412 của Danang MRCC (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II) ra khỏi phao số 0 của biển Tiên Sa, thì sóng gió bắt đầu nổi lên.

Gần 1 tiếng đồng hồ sau, tôi và một điều dưỡng đi cùng say sóng và nôn liên tục. Biển lúc ấy động cấp 9, cấp 10; nhồi lên ném xuống con tàu 412 như trái bóng, thêm một vài thuỷ thủ đoàn nôn mửa.

Có những cú ném của sóng biển, làm bể cửa kính tàu 412. Nửa đêm, tối như mực, việc tiếp cận tàu cá để cứu người cực kỳ khó khăn.

 Nữ hiệp sĩ 10 năm cưỡi sóng ra biển khơi cứu người - Ảnh 1.

Tàu Danang MRCC trong một lần cứu người

Tàu 412 lắc qua, lắc lại vô cùng dữ dội, nhiều lúc nghiêng sát mép biển. Chỉ cần rời khỏi ca bin tiến ra boong tàu thì nguy cơ bị quật rơi xuống biển rất cao. Không còn cách nào khác, chiến sĩ tàu 412 ném bình oxy qua tàu cá, rồi lai dắt về bờ.

Trên đường về, nhân lúc biển bớt sóng gió, chúng tôi mới qua cấp cứu cho ngư dân. Nhưng sóng dữ đã làm tôi kiệt sức, không thể trực tiếp cấp cứu mà chỉ bằng y lệnh”, chị Hồng tâm sự.

Ngồi ở bờ, nghe chị kể, rồi mường tượng cái cảnh ấy mà muốn say sóng. Bởi ở trên tàu có phải chỉ một lát đâu, tàu nhào qua ném lại 5-6 tiếng đồng hồ, thậm chí cả hành trình đi và về vài ngày. Vậy mà chị cười, bảo đi miết rồi quen, thì còn chi vất vả.

Những năm gần đây, khi có tàu của Danang MRCC, việc đi cấp cứu có nhiều thuận lợi và đỡ bị sóng “hành” hơn. Còn trước đó, khi đi cùng bộ đội biên phòng, do tàu nhỏ, lại chưa quen biển, có nhiều khi về tới bờ mới biết mình… còn sống.

“Những lúc đó, mặc dù mình rất đuối sức nhưng nhìn ngư dân cận kề cái chết thì mình phải gắng gượng. Cũng may là có các anh chiến sĩ biên phòng luôn hỗ trợ hết mình. Nhiều khi các anh ấy phải dìu mình, rồi cầm bao ni lông để cho mình vừa nôn vừa… cấp cứu", chị Hồng cho hay.

Theo chị Hồng, trong nghiệp cứu người trên biển, căng thẳng nhất là giai đoạn Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 ở Hoàng Sa. 

Những lúc đi biển làm nhiệm vụ, chị phải giấu đứa con đang học lớp 11 vì sợ con lo. Nhưng chị đi nhiều ngày quá, nên bị lộ. Con chị biết, lo cho mẹ, không ngủ được. Có hôm, tầm 4 giờ 30 phút sáng, con chị mới chịu ngủ.

Khi ôm con, nghĩ mình vừa thoát chết lại vừa thương con nên chị định rằng sẽ không đi biển nữa. Thế mà hôm sau, có cuộc gọi, là chị tất tả đi ngay. Vì ngoài đó, ngư dân mình khổ lắm…

Cứu người qua icom

Đi cùng lực lượng cứu hộ trên biển cứu người đã đành những lúc trên bờ, chị Hồng không quên cầm điện thoại, icom hướng dẫn ngư dân sơ cứu khi gặp nạn trên biển. Theo lời chị, cấp cứu trên biển khó bao nhiêu thì qua icom còn khó hơn mấy lần.

Bởi thời tiết xấu, sóng icom chập chờn, không nghe rõ. Mà không nghe rõ thì làm sao hướng dẫn ngư dân tự sơ cứu được? Nhưng những lúc trời yên, sóng vô tuyến tốt, chuyện hướng dẫn sơ cứu lại vấp phải rào cản ngôn ngữ.

 Nữ hiệp sĩ 10 năm cưỡi sóng ra biển khơi cứu người - Ảnh 2.

Chị Hồng hướng dẫn người dân chữa bệnh qua icom

“Vì nhiều ngư dân ở tỉnh khác, họ dùng phương ngữ nhiều quá, mình chịu! Những lúc như thế, phải nhờ cô tổng đài viên trực ở Đài Duyên hải miền Trung “dịch” dùm. Dần dần như thế, mình mới hiểu được một số phương ngữ của họ”, bác sĩ Hồng cho hay.

Ở nước ta chỉ Đà Nẵng mới có lực lượng cấp cứu 115 tham gia cứu người trên biển. Theo thống kê của 115 Đà Nẵng, từ ngày cùng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, đơn vị đã tham gia hơn 40 ca cứu ngư dân trên biển.

Theo lời chị, ngư dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được chị cấp cứu và hướng dẫn sơ cứu qua icom nhiều nhất vì ngư dân ở 2 tỉnh này thường đi đánh bắt cá rất xa, nhiều khi tận Hoàng Sa - Trường Sa.

Rồi qua những lần hướng dẫn như thế, chị thấy ngư dân mình thiếu thốn nhiều quá, ngay cả bông thấm, oxy sát khuẩn và một số thuốc cơ bản, vẫn không được trang bị.

Thế là chị lên kế hoạch, rồi đề xuất Sở Y tế Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp dạy sơ cấp cứu cho ngư dân thông qua chương trình “Tiếp sức cho ngư dân ra khơi”.

Năm 2015, chị đã dạy được 10 lớp với khoảng 200 ngư dân và theo kế hoạch, trong năm 2016 chị sẽ dạy 8 lớp và hiện chị đang dạy lớp thứ 3.

Thông qua chương trình này, các ngư dân sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất cũng như trang thiết bị, thuốc men cần thiết để sơ cấp cứu trên biển mỗi khi xảy ra tai nạn.

“Theo kế hoạch, mỗi lớp học kéo dài khoảng 3 ngày. Nhưng do đặc thù của ngư dân, họ đi biển suốt nên mình phải tranh thủ dạy họ khoảng 2 ngày.

Thậm chí, phải “ngó” mùa, thời tiết, hay xuống tận nơi họ sinh sống để động viên họ đi học. Rất mừng là sau khi tham gia lớp học này, họ đã ý thức tốt hơn vấn đề sơ cấp cứu trên biển”, bác sĩ Hồng bộc bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại