Tuyên bố trên của Nga được coi là lời cảnh báo đanh thép nhất từng đưa ra tính đến thời điểm này, tuy vậy nhiều ý kiến lại cho rằng hành động trên chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không phải thể hiện quyết tâm bảo vệ đồng minh bằng mọi giá.
Hơn ai hết, Tổng thống Putin chắc cũng thừa hiểu rằng đối đầu quân sự với Mỹ không phải là lựa chọn sáng suốt, ngoài việc bị áp đảo hoàn toàn về số lượng, chất lượng các vũ khí Nga triển khai tại căn cứ Hmeymim cũng chưa đảm bảo ưu thế thuộc về họ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga triển khai tại Syria
Như thường lệ, S-400 Triumf là vũ khí đầu tiên được Moskva "lôi ra" để cảnh báo máy bay Mỹ, theo các tướng lĩnh Nga thì tổ hợp phòng không tối tân này thừa năng lực đẩy lui mọi cuộc tấn công đường không từ phía đối phương.
Nhưng có lẽ người Nga đã hơi nói quá, S-400 mặc dù được quảng cáo là có tầm hoạt động bao phủ mọi cự ly từ tầm cao tới cực thấp, tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự thì Triumf chỉ phát huy hiệu quả đối với phi cơ bay ở độ cao lớn và trung bình, nó có "vùng mù" đáng kể đối với vật thể bay cực thấp như tên lửa hành trình.
Thực tế đã cho thấy ở đâu có S-400 thì ngay bên cạnh sẽ có Pantsir-S1 đóng vai trò vệ sĩ, đây là câu trả lời rõ ràng nhất, trái ngược hẳn với quảng cáo rằng tổ hợp S-400 diệt tốt cả mục tiêu bay ở độ cao thấp.
Nếu Mỹ quyết định đánh đòn tập kích bằng số lượng lớn tên lửa hành trình bay bám địa hình kết hợp với máy bay bay thấp phóng đạn, trong trường hợp lý tưởng là phát hiện ra đạn bay tới thì chắc chắn Pantsir-S1 vẫn sẽ bị quá tải, chưa kể đi kèm sẽ luôn có tên lửa chống radar siêu âm AGM-88 HARM được đánh giá đủ sức xuyên thủng chiếc ô Pantsir-S1.
Lúc này, phòng không Nga bị tiêu diệt gần như là chắc chắn. Thực tế cũng cho thấy khi Israel thực hiện chiến thuật tương tự thì các tổ hợp Buk-M2, Pantsir-S2 hay Pechora-2TM của Syria chỉ biết "chịu trận".
Tiêm kích Su-30SM của Nga tại căn cứ Hmeymim
Đó là cuộc chiến mặt đất - bầu trời, còn ở lĩnh vực không đối không, viễn cảnh có thể xảy ra là máy bay Nga hộ tống chiến đấu cơ Syria làm nhiệm vụ và xảy ra một trận "tao ngộ chiến" với tiêm kích Mỹ, khi đó đối đầu với Su-30SM hay Su-35S của Nga sẽ không còn là F/A-18 nữa, mà khả năng cao sẽ là F-22A Raptor.
Việc chạm trán tiêm kích thế hệ 5 là điều chắc chắn không phi công nào mong đợi, máy bay Mỹ sở hữu quá nhiều ưu thế như tính tàng hình cao, radar mảng pha quét chủ động cực kỳ tối tân, đảm bảo thấy trước và bắn trước đối phương từ cự ly rất xa... đặc biệt khi dòng Sukhoi có diện tích phản xạ radar rất lớn và vẫn chỉ được lắp đặt radar thụ động lạc hậu hơn cả một thế hệ.
Tiêm kích Nga được đánh giá chiếm ưu thế trong không chiến quần vòng nhờ độ cơ động tốt, nhưng kịch bản này rất khó xảy ra, hệ thống cảnh báo đồ sộ của Mỹ bảo đảm sẽ giúp "quân nhà" có phương án tiếp cận tối ưu. Thậm chí nếu không phải F-22 mà chỉ là F-15SE Silent Eagle thì Su-30SM với Su-35 vẫn rất khó đối phó hiệu quả.
Rõ ràng khi bị lấn lướt cả về số lượng lẫn chất lượng, người Nga cần phải giữ cho mình cái đầu lạnh, thật bình tĩnh trong mọi quyết định đưa ra để tránh bị lôi vào một cuộc chiến tranh tổng lực mà phần thua nhiều hơn là thắng.