Lời cảnh cáo của Nga
Theo trang mạng Popular Mechanics, ngày 18/6, một tiêm kích-bom Su-22 của Không quân Syria đã thả bom xuống vị trí của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.
Điều đó khiến chiếc máy bay này trở thành mối đe dọa hiện hữu và rõ rệt trong mắt Mỹ.
Vì thế, theo tuyên bố của bộ chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn dầu, chiếc Su-22 đã bị tiêm kích F/A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ bắn hạ "trong một hành động tự vệ tập thể để đảm bảo an toàn cho các lực lượng đối tác của liên quân".
Chính phủSyria tuyên bố chiếc Su-22 chỉ đang làm nhiệm vụ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chỉ trích hành động của Mỹ là "xâm lược trắng trợn".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tạm ngừng hoạt động tương tác với Mỹ từ ngày 19/6, cơ chế mà hai bên thiết lập trước đây để ngăn chặn sự cố trên không ở Syria.
Ngoài ra, Bộ này tuyên bố coi bất cứ vật thể bay nào xuất hiện ở khu vực không lực nước này kiểm soát tại Syria là "mục tiêu".
"Tại khu vực không phận Syria mà phi đội Nga thực hiện sứ mệnh chiến đấu, bất cứ vật thể bay nào - kể cả máy bay và phương tiện không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu - được xác định ở phía tây sông Euphrate, sẽ bị lực lượng không quân và lục quân Nga coi là mục tiêu" - Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Đừng quên S-400
Nếu Syria là bên đưa ra lời đe dọa này, có lẽ Mỹ sẽ chẳng bận tâm. Tuy nhiên, lời đe dọa từ Nga lại là một chuyện khác.
Moscow gần đây đã tăng cường phòng thủ tại Syria bằng các hệ thống tên lửa đất-đối-không tốt nhất của họ, bao gồm S-400 (còn được gọi là SA-21, Growler hoặc Triumf) và S-300 (Grumble).
S-400 được biết đến là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trên thế giới, đối thủ của tổ hợp Patriot. Nó có tầm bắn lên tới 400km, có thể bao quát toàn bộ khu vực, trong đó có căn cứ không quân Incirlik của lực lượng Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 có thể theo dõi ít nhất 100 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó.
"Hoạt động bên trong phạm vi tấn công tên lửa của S-400 là 'cơn ác mộng' dai dẳng, triền miên ngày này qua tháng khác đối với các phi hành đoàn của Mỹ và liên quân" - Sĩ quan tình báo Không quân Tyson Wetzel bình luận trong một bài viết vào tháng 11/2015.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại Syria.
S-400 vẫn phụ thuộc vào radar. Vì thế, trên lý thuyết, máy bay tàng hình có thể tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, tàng hình không phải là "vô hình", nó chỉ có thể giúp rút ngắn khoảng cách mà tại đó máy bay bị phát hiện.
F-22 có thể hoạt động an toàn trong phạm vi kiểm soát của S-400 nhờ khả năng tàng hình cực cao nhưng các loại máy bay khác của Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu.
"Bất cứ ảo tưởng nào về máy bay 'vô hình' đều sẽ bị thực tế phũ phàng nghiền nát" - Thiếu tướng Igor Konashenkov nói với hãng thông tấn Sputnik (Nga) hồi năm ngoái.
Theo Popular Mechanics, Nga đã từng vài lần "bẽ mặt" tại Syria. Đó là khi chiếc Su-24 của nước này bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào năm 2015, khiến Moscow phải tức tốc triển khai các hệ thống phòng không tối tân tới quốc gia Trung Đông.
Tiếp đến là cuộc tấn công của Mỹ bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria hồi tháng 4 năm nay.
(Về mặt lý thuyết, hệ thống phòng thủ của Nga có thể bắn hạ một vài tên lửa Tomahawk nhưng chúng đã không khai hỏa. Mặc dù Moscow đã lên tiếng giải thích cho chuyện này - như S-400 chỉ có nhiệm vụ bảo vệ lực lượng Nga tại Syria - nhưng một số ý kiến vẫn xem đó là biểu hiện của sự yếu kém).
Tháng 5 vừa qua, máy bay liên quân đã ném bom vào quân chính phủ Syria và giờ tới lượt máy bay của quân chính phủ Syria bị bắn hạ.
Có vẻ sau sự việc lần này, Tổng thống Nga Putin quyết định đã đến lúc thiết lập lằn ranh với Mỹ và nếu Washington cứ cố tình vượt qua, họ sẽ bị bắn trả.
Ba lựa chọn cho Mỹ và đồng minh
Lời đe dọa của Nga đặt ra cho các chỉ huy của lực lượng liên quân một số lựa chọn để vẫn có thể theo đuổi mục tiêu của họ nhưng không làm bùng nổ cuộc xung đột tổng lực với Nga.
Theo Popular Mechanics, lựa chọn đầu tiên là KHÔNG sử dụng máy bay có người lái. Thay vào đó là dùng pháo binh, tên lửa, bộ binh, máy bay không người lái để hỗ trợ các lực lượng đối tác.
Phương án này sẽ loại bỏ nguy cơ máy bay chiến đấu bị bắn hạ và không chừng có thể giúp hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc năng lực tác chiến của liên quân sẽ bị giảm sút.
Lựa chọn thứ hai có phần liều lĩnh hơn, đó là đối phó với hệ thống phòng không Nga bằng các phương tiện gây nhiễu, mồi bẫy.
Chẳng hạn như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler - một phiên bản của mẫu Hornet nhưng được trang bị các thiết bị điện tử để gây cản trở, làm mù và làm xáo trộn hệ thống radar của đối phương.
Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Một kíp vận hành điêu luyện có thể tạo ra mục tiêu giả, ngụy trang mục tiêu thật trên màn hình radar của đối phương.
Khi kết hợp với thiết bị bay không người lái như mồi bẫy ADM-160 - loại có khả năng khiến radar khó phân biệt nó với máy bay có người lái - họ có thể đánh lạc hướng hệ thống phòng không của đối phương và đảm bảo rằng các tên lửa của hệ thống này sẽ không nhắm bắn vào chiếc máy bay thực.
Phương thức trên có thể mang lại hiệu quả 100% khi bảo vệ các máy bay có người lái - điều mà không phải chỉ huy nào cũng có thể bảo đảm.
Thường thì biện pháp gây nhiễu và mồi bẫy được triển khai trong hoạt động Áp chế phòng không đối phương (SEAD).
Trong hoạt động này, khi radar đối phương vẫn còn bị xáo trộn, chúng sẽ nhanh chóng bị phá hủy bởi tên lửa AGM-88 HARM (tên lửa chống radar tốc độ cao) hoặc các loại vũ khí dẫn đường khác như tên lửa JASSM của Không quân Mỹ bắn vào các trận địa tên lửa.
Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Syria
Phương án thứ 3 hơi "khác thường", đó là giải quyết triệt để vấn đề với máy bay chiến đấu của Syria tại căn cứ của chúng.
Cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hồi tháng 4 đã làm thiệt hại khoảng 20% máy bay chiến đấu của Syria. Vì thế, các cuộc tấn công tăng cường sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn năng lực chiến đấu của Không quân Syria, khiến lực lượng liên quân không bao giờ phải đối đầu với chúng trong không chiến.
Dù Mỹ và đồng minh chọn phương án nào thì vẫn luôn có khả năng Nga sẽ tiến hành nhiều biện pháp đối phó khác. Họ có thể tiến hành tấn công mạng hoặc một hình thức không chính thống tương tự để bày tỏ thông điệp về cách giải quyết của họ đối với vấn đề Syria
Nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn thì tình hình leo thang tại Syria có thể nhanh chóng chuyển thành một cuộc chiến toàn diện. Lịch sử đã cho thấy bước chân vào một cuộc chiến là việc dễ dàng "tới mức đáng sợ". Bước ra khỏi cuộc chiến lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mỹ cần phải suy xét cẩn trọng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.