Bức ảnh khác thường này được tàu Quỹ đạo Thăm dò Sao Hỏa (MRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp lại trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên hành tinh đỏ.
Theo các nhà nghiên cứu, rất nhiều thứ có thể tạo ra các lỗ hổng trên bề mặt địa hình đá của sao Hỏa như ảnh hưởng của thiên thạch, lũ lụt cổ đại, các hoạt động mạnh mẽ của núi lửa,...
Trong bức ảnh mà NASA tiết lộ cho thấy tàu thăm dò MRO chụp lại hình ảnh hố sâu từ quỹ đạo có độ phân giải cao nên có thể nhìn thấy rõ các dạng địa hình khó thấy trên bề mặt sao Hỏa.
NASA cho hay, bức ảnh về hố sâu khác lạ này được chụp vào cuối mùa hè nên Mặt trời ở khu vực cực nam trên sao Hỏa ở vị trí thấp trên bầu trời. Do đó, hố sâu trông nổi bật hơn bình thường.
Ánh sáng mùa hè chiếu sáng trên hành tinh này khiến cho miệng hố sâu càng trở nên rõ nét hơn. Điều này khiến các nhà khoa học của NASA "bối rối" trong việc giải thích vị trí của hố khổng lồ này.
Nhiều dạng địa hình khó thấy trên sao Hỏa cũng hiện rõ trong bức ảnh được tàu thăm dò MRO chụp lại bằng cách sử dụng máy ảnh phân giải cao cho các thí nghiệm khoa học (HiRISE).
Nhiều miệng hố trên sao Hỏa có thể là những chỏm băng carbon dioxite (CO2) còn sót lại trên bề mặt. Các vòng tròn xung quanh miệng hố được cho là băng khô đã bay hơi vì nắng nóng.
Bức ảnh còn cho thấy trên bề mặt sao Hỏa có một số cấu trúc địa hình dạng hình tròn và sâu hơn. Chúng có thể là miệng hố thiên thạch hoặc miệng hố sụt, hình thành do mặt đất sụp xuống.
Đây không phải là lần đầu các nhà khoa học NASA phát hiện thấy câu trúc địa hình khác lạ trên bề mặt hành tinh đỏ. Trước đó, hình ảnh tàu thám hiểm MRO gửi về vào tháng 4/2017 cho thấy, các vết địa hình lỗi lõm trông hệt như vảy cá ở cực nam của sao Hỏa.
Đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu hố sâu trên sao Hỏa là vết đứt gãy từ một cái gì đó va chạm vào bề mặt hay sự sụp đổ. Theo các nhà nghiên cứu, thiên thạch, dung nham núi lửa và lũ lụt đều có khả năng tạo ra một miệng hố, nhưng hố sâu này vẫn còn là một ẩn số đối với giới khoa học.
Tàu thăm dò MRO của NASA. Ảnh: NASA
Tàu thăm dò MRO đã bay vào quỹ đạo của Sao Hỏa từ tháng 3/2006.
Trong hơn một thập kỷ qua, con tàu trị giá 720 triệu USD đã tiến hành nghiên cứu về địa chất của Sao Hỏa, cung cấp những hình ảnh chi tiết về hành tinh này, đồng thời liên kết thông tin với những thiết bị thăm dò khác như robot Curiosity, giúp các nhà nghiên cứu thực hiện nhiều sứ mệnh khác trong tương lai.
Nguồn: Sciencealert, Newsweek