Do đại dịch Covid-19 nền kinh tế của Bali đã bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh: TASS)
Theo kênh truyền hình trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, khoảng 60% GDP của hòn đảo này đến từ du lịch, nhưng do đại dịch Covid-19 nền kinh tế của Bali đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, vấn đề thiếu lương thực đã tồn tại trong khu vực. Hàng ngàn người đang chết đói. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 5,6% trong tháng 8, trong khi 105 nghìn người mất việc làm.
“Suy dinh dưỡng mãn tính và cấp tính luôn là một vấn đề ở đây. Trước đại dịch, chúng tôi đã điều trị cho 2,4 nghìn người. Nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều, có thể nhìn thấy điều này ở cả Bali”, một nhân viên tổ chức từ thiện Yayasan Solemen Indonesia Robert Epton nói với kênh truyền hình.
Theo ghi nhận, tình trạng khó khăn nhất là ở huyện Karagasem, nơi được coi là nghèo nhất. Khu vực này không phải là một phần du lịch của hòn đảo, nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, vì vậy người dân không thể trồng trọt.
Trong vòng 10 ngày gần đây, Indonesia có 4 ngày lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, ngày 3/12 là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất với 8.369 trường hợp.
Theo ông Halik Malik, người phát ngôn của Hiệp hội Y học Indonesia, nhiều bệnh viện đã hoạt động hết công suất và tình hình hiện tại là căng thẳng nhất kể từ đầu dịch đến nay ở nước này.
Các chuyên gia y tế của Indonesia cho biết quốc gia này đã gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh kể từ tháng 3, và hiện nay đang có tổng cộng 563.680 ca nhiễm với 17.479 ca tử vong chính thức. Đến nay cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong của Indonesia đều cao nhất Đông Nam Á.
Trước đó, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ dành riêng cho cuộc chiến chống lại Covid-19 diễn ra vào ngày 4/12, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), David Beasley cho rằng thế giới có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vào năm 2021. Theo ông, do đại dịch Covid-19 số người sắp chết đói sẽ tăng từ 135 triệu lên 270 triệu.
Nhân dịp này, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đồng thời kêu gọi các nước giàu có không được “chà đạp” lên các nước nghèo trong cuộc đua giành giật vắc-xin ngừa Covid-19.
Cũng tại cuộc họp bàn về Covid-19 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi đảm bảo cung cấp vắc-xin Covid-19 công bằng cho tất cả, hối thúc các nước giàu giúp đỡ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống lại cũng như phục hồi sau đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi huy động ngay lập tức nguồn tài chính trị giá 4,3 tỉ USD cho chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu.