Nạn buôn người giúp việc Maroc ở Ảrập Xê út

Tường Phạm (Tổng hợp) |

Bức ảnh hai người phụ nữ người Morocco (Maroc) xuất hiện trên mạng xã hội ở Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) kèm theo lời quảng cáo tìm gia đình cần người giúp việc gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Nhiều người cho rằng, phụ nữ Maroc làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út đang bị lạm dụng về thể xác và tinh thần, đồng thời, đang trở thành món đồ bị những ông chủ mua đi bán lại.

"Đây là một ví dụ rất cụ thể về chế độ nô lệ thời hiện đại"

Hình ảnh hai phụ nữ Maroc được đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Dưới bức ảnh là quảng cáo rao bán với công việc là người giúp việc nhà.

Người phụ nữ đứng bên phải được miêu tả là đang ở độ tuổi 30 tuổi, có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Ả rập Xê út, biết nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, mức lương yêu cầu là 1.500 Saudi rianyal (khoảng 397 USD)/tháng.

Người phụ nữ bên trái được miêu tả là "có thể nấu các món ăn Ả Rập và yêu trẻ con". Cô gái này cũng yêu cầu mức lương 1500 riyal/tháng.

Trong một quảng cáo, người rao bán nói rằng, người phụ nữ giúp việc cần tiền để mua điện thoại di động. Ngoài hình ảnh, hộ chiếu của phụ nữ Maroc cũng được sử dụng để quảng cáo bán người giúp việc.

"Đây là một ví dụ rất cụ thể về chế độ nô lệ thời hiện đại", Yasmine Ajoutat, một blogger Maroc chuyên viết về vấn đề phụ nữ và nhân quyền nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Yasmine Ajoutat giải thích rằng, phụ nữ nước ngoài giúp việc nhà tại Ả rập Xê út bị giới hạn rất nhiều trong công việc. Ví dụ, nhiều gia đình Ả rập Xê út không cho phép người giúp việc sở hữu điện thoại di động để kết nối với gia đình.

Yasmine Ajoutat cho biết thêm, Ả Rập Xê Út bắt đầu cho phép công dân Maroc đến quốc gia này làm giúp việc từ năm 2011. "Làn sóng phụ nữ Maroc đến Ả rập Xê út làm giúp việc ngày càng tăng.

Lý do chính của làn sóng này là ở Ả rập Xê út, phụ nữ Maroc có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc tương tự ở quê hương", Yasmine Ajoutat nói.

Trong một bài viết đăng tải trên trang web Saudi Al-Youm vào cuối năm 2017 cho biết, giúp việc nhà, trông trẻ con ở Ả rập Xê út có giá dao động từ 1.200 đến 1.500 riyals mỗi tháng.

Nạn nhân của nạn ngược đãi

Không ít trường hợp phụ nữ giúp việc người Maroc bị ngược đãi ở Ả rập Xê út. Vào tháng 2-2017, một phụ nữ giúp việc bị gia đình chủ đuổi ra khỏi nhà.

Đoạn video quay cảnh cô nằm trên giường bệnh được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong một số trường hợp, người giúp việc Maroc bị chính phụ nữ trong gia đình chủ ngược đãi vì cho rằng, họ sẽ quyến rũ chồng mình.

Năm 2015, người phụ nữ Maroc có tên là Lamia Moatamid kết hôn với một người đàn ông Ả rập Xê út đã bị chính chồng mình cưỡng hiếp.

Sau đó, cô bị bỏ tù vì cố gắng tố cáo tội ác của chồng. Cô đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng của Maroc và cuối cùng được thả tự do sau một năm ngồi tù.

Tại Ả rập Xê út, phụ nữ làm giúp việc trong gia đình đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài Maroc, còn có người giúp việc đến từ Ethiopia, Ấn Độ và Phillippines.

Gần đây, nhiều trường hợp phụ nữ giúp việc bị ngược đãi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một người giúp việc Philippines cho biết, cô bị chuyển từ người sử dụng lao động này sang người khác mà không được hỏi ý kiến.

Chính vì vậy, việc chuyển tiền lương không đúng như hợp đồng thỏa thuận trước đó.

Nạn buôn người giúp việc Maroc ở Ảrập Xê út - Ảnh 1.

Hộ chiếu của người giúp việc Maroc cũng được dùng để quảng cáo, rao bán người giúp việc.


Vào tháng 10-2017, một phụ nữ làm giúp việc đến từ bang Punjab Ấn Độ đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của Chính phủ thông qua đoạn video ngắn gửi về cho gia đình.

Trong đoạn video, người phụ nữ này cho biết đã bị người sử dụng lao động bỏ đói và tra tấn về thể xác trong nhiều ngày.

Được biết, giúp việc người nước ngoài làm việc tại Ả rập Xê út phải tuân thủ theo "Kefala" - quy định được áp dụng tại Ả rập Xê út và các quốc gia vùng Vịnh.

Theo đó, người sử dụng lao động bảo trợ cho lao động nước ngoài và chịu trách nhiệm về thị thực và tình trạng cư trú của họ trong thời gian họ ở Ả rập Xê út.

"Kefala" bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích nặng nề vì thực tế, trong một số trường hợp cực đoan, chủ lao động đã bạo hành người lao động cả về thể chất và tinh thần, giữ lại tiền, lấy hộ chiếu để người lao động không thể trở về nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại