CIA đoán sai việc Trung Quốc đưa quân sang Triều Tiên
Trong tư liệu mới đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu, giáo sư Phòng Ninh - giám đốc Sở nghiên cứu chính trị học, Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) - nhận định rằng phán đoán sai lầm của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) về việc Bắc Kinh có "động binh" can thiệp chiến sự ở bán đảo Triều Tiên hay không đã dẫn đến liên quân do Mỹ đứng đầu hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng. Ông cho đây là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử cơ quan tình báo khổng lồ này.
Sau khi chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, CIA đã nhanh chóng bám sát động thái từ Liên Xô và Trung Quốc và thu thập lượng lớn thông tin tình báo. Các tài liệu giải mật cho thấy, CIA đã nắm bắt tương đối chính xác về những động thái quân sự của Quân giải phóng nhân dân (PLA), trong đó một số tin tình báo xác nhận quân đội Trung Quốc có dấu hiệu sẽ điều binh sang Triều Tiên.
Tuy nhiên, ngày 30/9/1950, CIA đưa ra hai báo cáo mâu thuẫn với nhau liên quan quyết sách của ban lãnh đạo Trung Quốc. Một bản báo cáo xác nhận Bắc Kinh đã quyết định điều động quân đội tới Triều Tiên, trong khi báo cáo còn lại cho rằng Trung Quốc đã từ bỏ nỗ lực viện trợ người láng giềng.
Các tàu Mỹ đổ quân ở Incheon trong chiến dịch đổ bộ ở bán đảo Triều Tiên, tháng 9/1950 (Ảnh: Wikipedia)
Ngày 18/10/1950, tức một ngày trước khi lực lượng PLA vượt qua sông Áp Lục để tham chiến ở bán đảo, CIA tiếp tục đưa ra bản báo cáo "Bình luận của CIA về tình hình thế giới liên quan đến an ninh Mỹ". Đây là báo cáo nghiên cứu quan trọng nhất của CIA kể từ khi chiến tranh Triều Tiên bùng phát, đề cập khả năng Xô-Trung tiến hành can thiệp quân sự ở bán đảo.
Ông Phòng Ninh cho hay, trong báo cáo, CIA đã phủ định một cách có hệ thống "khả năng đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp [vào chiến sự Triều Tiên]". Nhưng cũng trong ngày này, CIA còn nhận được một tin tình báo quân sự chính xác từ liên lạc viên quân sự Mỹ tại Hồng Kông, khẳng định vào đêm 18/10 hoặc trong vòng hai ngày sau đó, khoảng 400.000 quân Trung Quốc sẽ tới Triều Tiên tham chiến.
"CIA nắm trong tay lượng lớn tình báo chính sách về việc quân đội Trung Quốc điều động chuẩn bị tham chiến ở Triều Tiên, thậm chí nắm chính xác thời gian cụ thể, nhưng đã đưa ra phán đoán và kết luận hoàn toàn sai," ông Phòng viết trên Hoàn Cầu. "Nguyên nhân chủ yếu do CIA tổng kết và phân tích tình báo sai lầm, giải mã sai ý nghĩa thông tin mà họ nắm được."
Tướng Mỹ Douglas MacArthur theo dõi chiến dịch đổ bộ ở Incheon, tháng 9/1950 (Ảnh: Courtesy Photo)
CIA phân tích sai cơ bản về Trung Quốc?
Theo ông Phòng Ninh, đánh giá báo cáo của CIA ngày 18/10/1950 có thể thấy được ba sai lầm của tình báo Mỹ khi đó.
Thứ nhất, vấn đề thời cơ. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại bán đảo Triều Tiên khi đó là tướng Douglas MacArthur - cái tên lừng lẫy trong Thế chiến 2. Học giả Trung Quốc lý giải, MacArthur cùng Bộ tư lệnh Mỹ nhận định, thời điểm quân đội Triều Tiên chèn ép lực lượng Hàn Quốc và quân đội Liên hợp quốc về khu vực Busan, phía Nam bán đảo, trong khi quân Mỹ bắt đầu đổ bộ ở Incheon, chính là thời cơ tốt nhất để PLA can thiệp quân sự vào bán đảo.
Sau cuộc đổ bộ Incheon, lực lượng Mỹ bắt đầu đẩy lùi quân Triều Tiên. Đến lúc này, "sự can thiệp của người Trung Quốc - vốn dĩ có thể xoay chuyển cục diện quân sự, từ đó giúp đảng Cộng sản [Trung Quốc] có cơ hội giành được thắng lợi triệt để ở Triều Tiên - đã không còn tồn tại".
Trong nhiều báo cáo, phía Mỹ tin rằng chiến tranh Triều Tiên đến giai đoạn này đã kết thúc. Đây là nhận định chiếm ảnh hưởng lớn trong phân tích của CIA.
Thứ hai, vấn đề ưu thế. Thời kỳ đầu thập niên 1950, quân đội Liên hợp quốc có ưu thế chiến trường lớn so với PLA, từ sau cuộc đổ bổ của lực lượng Mỹ thì liên quân kiểm soát được thế chủ động chiến lược, nhất là khi Trung Quốc chưa có không quân hỗ trợ.
Tướng MacArthur phân tích với tổng thống Mỹ Harry Truman, "quân lực của Trung Quốc ở Mãn Châu có 300.000, trong đó lực lượng bố trí ở sông Áp Lục có thể không quá 100.000-125.000 người, số lượng vượt sông có thể chỉ khoảng 50.000-60.000 lính. Họ không có không quân. Bởi chúng ta nắm căn cứ không quân ở Triều Tiên, nên nếu người Trung Quốc có ý đồ tiến về Bình Nhưỡng thì đối với họ mà nói đó sẽ là một cuộc giết chóc quy mô lớn."
Trong đánh giá của CIA, tỉ lệ Trung Quốc chấp nhận rủi ro để tham chiến ở bán đảo là rất nhỏ.
Thứ ba, lợi ích tổng thể của Trung Quốc. Giáo sư Phòng Ninh chỉ ra, trong phân tích đánh giá toàn diện của CIA đối với nước CHND Trung Hoa mới thành lập từ tháng 10/1949, tình báo Mỹ cho rằng ĐCSTQ vẫn trong giai đoạn củng cố chính quyền, khôi phục nền kinh tế,... mà điều động binh lực lớn đến Triều Tiên là hành động không phù hợp với lợi ích tổng quan của nước này.
Trong báo cáo 18/10, CIA nêu: "ĐCSTQ hiểu rõ, ít nhất trong tình huống không xảy ra chiến tranh toàn diện giữa phương Đông và phương Tây thì xung đột với Mỹ sẽ là thảm họa, không chỉ tổn hại lợi ích tổng thể của Trung Quốc, mà còn phá vỡ các kế hoạch trong nước và sự ổn định của chính quyền tại Bắc Bình (tức Bắc Kinh)."
Ông Phòng Ninh cho hay, kịch tính của cuộc chiến Triều Tiên diễn ra ngay sau cuộc đổ quân quy mô lớn của PLA. Trong khi lực lượng Mỹ liên tục bắt giữ được nhiều quân nhân Trung Quốc, tình báo nước này vẫn chưa đánh giá đúng tình hình.
Trong báo cáo ngày 3/11/1950, CIA phân tích các dấu hiệu trong giai đoạn đó "cho thấy Trung Quốc quyết định lập một 'giới tuyến' tại bờ Nam sông Áp Lục. Dù chưa thể loại trừ khả năng Trung Quốc - dưới sự chỉ đạo của Liên Xô - bất chấp tất cả để can thiệp vào Triều Tiên, nhưng mục tiêu chủ yếu của họ rất có thể là bảo đảm an ninh khu vực biên giới Mãn Châu,..."