Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng

Tất Đạt |

Sau cái chết đáng tiếc của nhà truyền giáo Mỹ, những thổ dân sống biệt lập trên một hòn đảo ở Vịnh Bengal đột nhiên trở thành tâm điểm của dư luận thế giới.

Công dân Mỹ John Allen Chau được cho là đã bị trọng thương và thiệt mạng bởi những người Sentinel - một bộ lạc biệt lập với thế giới và nổi tiếng vì "truyền thống" giết chết bất kì người lạ mặt nào xuất hiện trên lãnh thổ của họ.

Bộ lạc Sentinel là một trong số những đại diện hiếm hoi còn sót lại của cộng đồng người hoàn toàn không giao tiếp và chịu ảnh hưởng của thế giới hiện đại.

Nhưng họ không phải là những người duy nhất. Theo ông Jonathan Mazower từ tổ chức giúp bảo tồn bộ lạc biệt lập Survival International, có khoảng hơn 100 bộ lạc như vậy trên thế giới.

Đa số các bộ lạc như vậy có thể được tìm thấy ở những cánh rừng Amazon, trong khi một số nhóm được ít biết hơn sinh sống tại New Guinea, trong rừng và những đảo ít người tiếp cận trên khắp thế giới. Những bộ lạc như vậy thường tránh xa thế giới hiện đại bằng mọi cách - và thông thường khi hai bên tiếp xúc, va chạm và bạo lực là chuyện không thể tránh khỏi.

Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng - Ảnh 1.

Những thổ dân trên bờ biển đảo North Sentinel. Ảnh: Dailymail

"Đôi lúc họ nhớ về những vụ thảm sát, những vụ tấn công bạo lực, hoặc bệnh dịch và thảm họa - vậy nên thông thường các bộ lạc có lí do để không giao tiếp với thế giới bên ngoài," ông Mazower trả lời CNN.

Khi người của bộ lạc gặp người từ bên ngoài, đa phần trường hợp họ sẽ tấn công bằng vũ khí thô sơ và đôi lúc còn khiến nạn nhân gặp các bệnh phổ thông như cúm - căn bệnh không ảnh hưởng tới thổ dân nhờ vào hệ miễn dịch của họ. "Họ rất sợ người hiện đại - vì những lí do khá hợp lí," ông Mazower nói.

Bộ lạc Sentinel

Công dân Mỹ Chau không phải là người đầu tiên trở thành nạn nhân của Sentinel sau khi "đột nhập" lên hòn đảo của họ. Năm 2006, các thành viên bộ lạc này đã giết chết 2 người đánh bắt cá trộm ở vùng biển xung quanh đảo sau khi thuyền của 2 người này đổ bộ.

Năm 2004, sau khi xảy ra vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương, một nhóm thổ dân đã dùng cung tên tấn công chiếc trực thăng được gửi tới để kiểm tra xem họ có gặp vấn đề gì không.

Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng - Ảnh 2.

Thổ dân Sentinel giương cung bắn trực thăng. Ảnh: Survival International

Một số đoàn thám hiểm đã thường xuyên tới thăm đảo vào những năm 1980-1990 và tặng quà cho thổ dân, nhưng những hoạt động này đã giảm nhiều trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Ấn Độ năm 2011, hiện chỉ còn khoảng 11 người Sentinel còn ở trên đảo.

Chính phủ Ấn Độ vẫn đang thực hiện chính sách "theo dõi nhưng không can thiệp" để đảm bảo những kẻ săn trộm không xâm nhập vùng đảo của người Sentinel.

Bộ lạc Kawahiva

Thường xuyên di chuyển xuyên qua vùng Mato Grosso (Brazil), hàng chục năm qua, bộ lạc Kawahiva chỉ để lại dấu vết về sự có mặt của họ bằng những công cụ và đồ đạc để lại. 

Nhưng năm 2013, một đoàn cán bộ chính phủ Brazil đã vô tình gặp những thổ dân này, lần đầu tiên ghi hình họ bằng máy quay. Trong clip, các thành viên của bộ lạc đi bộ qua cánh rừng, không mặc gì và tay cầm mũi tên. Khi phát hiện có người lạ, họ nhanh chóng "biến mất".

Nhưng đây không phải là cuộc tiếp xúc duy nhất giữa người Kawahiva với người hiện đại. "Hiện giờ chỉ có khoảng dưới 30 người Kawahiva còn sống, những người khác đã bị tàn sát bởi lâm tặc," ông Mazower ước tính.

Tương lai của bộ lạc này cũng bấp bênh, khi khu vực xung quanh lãnh thổ của họ liên tục bị thu hẹp vì hoạt động khai hoang của nông dân Brazil. "Tình cảnh của bộ lạc Kawahiva là đáng báo động nhất, bởi họ sống ở nơi đặc biệt khó khăn của Brazil".

Bộ lạc thung lũng sông Javery

Hồi tháng 8, lần đầu tiên, một bộ lạc biệt lập ở Amazon đã được ghi hình lại. Một drone (thiết bị bay gắn camera) đã phát hiện những thổ dân ở thung lũng sông Javery, mặc dù những người này không biết họ đang bị theo dõi. Một trong số các thổ dân cầm một vật thể giống cây giáo hoặc cây gậy, trong khi 4 hoặc 5 người khác đứng gần một nhà lớp mái tranh.

Drone phát hiện các thổ dân biệt lập ở Brazil

Khu vực dọc theo biên giới Brazil - Peru là nhà của khá nhiều bộ lạc biệt lập. "Không hẳn là các bộ lạc hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài - họ vẫn kết nối với các bộ lạc khác, thậm chí kết bạn và kết hôn liên bộ lạc," Evan Killick - giảng viên nhân chủng học tại Đại học Sussex chuyên nghiên cứu về các bộ lạc địa phương - tiết lộ.

"Lí do họ sống cách biệt là vì lịch sử giao tranh bạo lực và bị lạm dụng," ông Killick nói.

Bộ lạc Xinane

Không giống những bộ lạc biệt lập khác, những thổ dân này đã tự tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài. Một đoạn video từ Quỹ Quốc gia Brazil cho thấy các thổ dân sống tại Peru tự rời khỏi lãnh thổ của mình để xin chuối từ dân làng gần đó.

"Một trong những người đó hỏi quan chức Brazil: 'rani mi mulher?' (những người phụ nữ đâu?)," Giancarlo Rolando, một nhà nhân chủng học tại Đại học Virginia dịch lại. "Trong những video đó, có thể thấy một nam thổ dân trẻ cầm khẩu súng thu được từ những người bên ngoài".

"Tại vùng Amazon, các thổ dân sử dụng cung tên để săn bắn. Họ cũng làm nông, chủ yếu là ngô, ngoài ra họ còn trồng cây yucca và chuối. Các thổ dân cũng khai thác và thu hoạch lâm sản như nấm, hoa quả, cây thuốc và lá cọ để lợp mái. Theo truyền thống, họ sống trên nhà gỗ dáng dài, xây trên đồi."

Kể từ cuộc gặp gỡ nói trên, người Xinane đã được các cán bộ Brazil chuyển tới định cư ở một khu gần đó.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa bộ lạc biệt lập với người Brazil

Bộ lạc Waorani

Năm 1987, một giáo sĩ Công giáo và một nữ tu với ý định giảng đạo đã gặp tai nạn còn kinh hoàng hơn công dân Chau. Những người tấn công họ là thổ dân Waorani, một nhóm người Mỹ bản địa ở Ecuador.

Giáo sĩ Alejandro Lavaca và xơ Ines Arango đã bị các thổ dân giết hại dã man bằng 21 cây giáo. Theo tờ Washington Post, thổ dân Waorani còn nhét lá vào các vết thương để ngăn máu lưu thông.

Hầu hết các bộ lạc sau này đều phải chuyển nơi sinh sống vì hoạt động tham dò dầu mỏ trên đảo. Bộ lạc Waorani thường xuyên giao tranh với bộ lạc Taromenane - một nhánh nhỏ của Waorani - và nhiều vụ án mạng đẫm máu đã xảy ra.

Bộ lạc Ayoreo

Rất nhiều thổ dân Ayoreo đã hòa nhập vào thế giới hiện đại, nhưng vẫn còn những thành viên còn sống trên các hòn đảo biệt lập ở Nam Mỹ.

Bệnh dịch là mối đe dọa lớn đối với các nhóm thổ dân biệt lập trên khắp thế giới.

"Chúng tôi muốn nói tới bệnh cúm và bệnh sởi bởi những thổ dân không hề có miễn dịch hoặc kháng thể, vậy nên những bệnh này gây ra tỉ lệ chết cao," một chuyên gia nói. Hàng chục người Ayorea đã chết vì bệnh hô hấp trong những năm 1980.

Những tổ chức như Survival International đã cố gắng đưa thông tin về các bộ lạc này cho thế giới bên ngoài, để hạn chế những hoạt động lấn chiếm đất do nông nghiệp, khai thác rừng và bạo lực.

Mặc dù bộ lạc Sentinel được bảo vệ bởi pháp luật Ấn Độ - cấm người ngoài đặt chân lên đảo - những bộ lạc khác không được may mắn như vậy. Lãnh thổ của họ thường xuyên bị quấy rầy bởi những người lạ mặt.

"Thách thức quan trọng nhất ở đây là bảo vệ lãnh thổ của họ. Đây là điều đặc biệt thiết yếu. Nếu họ giữ được lãnh thổ, thì họ sẽ tiếp tục sinh tồn và phát triển được," ông Mazower nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại