Một quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra tuyên bố trên khi năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - tất cả đều là cường quốc vũ trang hạt nhân - gặp nhau tại Bắc Kinh để đàm phán về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, cho biết "kết quả là không đồng đều" trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch theo hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
"Trước đây, chúng tôi đã đồng ý thiết lập một định dạng về việc báo cáo, nhưng khoảng cách giữa các báo cáo của Hoa Kỳ và bên kia là Nga cùng Trung Quốc là rất lớn", Thompson nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị trên.
"Chúng tôi mong muốn thảo luận về cách chúng ta có thể tăng cường tính minh bạch nhằm trấn an các bên khác về các bước đi rất thực tế mà chúng ta đang thực hiện để đảm bảo tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng được các cam kết kiểm soát không phổ biến vũ khí và giải giáp hạt nhân.
Các quan chức từ Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh - các quốc gia tham gia hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - cũng tham dự cuộc họp và chương trình dự kiến sẽ tiếp tục vào thứ Năm.
Cuộc hội đàm diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Moscow và Washington về số phận của hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký vào năm 1987 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ rời bỏ thỏa thuận trong khi Tổng thống Vladimir Putin nêu ra mối đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang mới, nói rằng châu Âu sẽ là nạn nhân chính của điều này.
Đầu tháng này, các cuộc đàm phán tại Geneva giữa các nhà ngoại giao cấp cao của cả hai nước đã thất bại khi Washington và Moscow đổ lỗi cho nhau về việc đẩy hiệp ước INF đến bờ vực sụp đổ.
Tại hội nghị lần này tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov đã nhắc tới "việc những quan điểm đơn phương được lan rộng" là mối đe dọa đối với việc không phổ biến hạt nhân.
"Nhiều vấn đề tiếp tục bị làm rối lên do thiếu ý chí chính trị", ông nói thêm và khẳng định là đang có "sự thiếu tin tưởng lẫn nhau" rõ ràng giữa năm quốc gia NPT.
"Cơ chế (NPT) này đang trở nên lỏng lẻo, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng và tiêu cực đối với việc không phổ biến hạt nhân", ông nói.