Theo đó, vào năm 2005, có một sự việc gây chấn động giới khoa học. Cụ thể, tại Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều người chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ. Đó là khoảng 1.500 con cừu nhảy xuống vách đá tự sát.
Theo lời kể của những người chứng kiến, quá trình đàn cừu nhảy khỏi vách đá giống như một thác nước trắng xóa. Con đầu tiên bắt đầu lao xuống từ vách đá cao hơn 15 m và sau đó cả đàn nhảy theo. Những nhân viên chăm sóc đàn cừu đã rất sốc. Họ tìm cách để ngăn cản những con cừu khác điên cuồng tự sát tập thể, nhưng không thể là gì được.
Kết quả của vụ tự sát tập thể này khiến 450 con cừu chết ngay lập tức, hơn 1.000 con còn lại thì bị tàn tật hoặc bị thương nhẹ do may mắn nằm đè lên xác của những con cừu đã chết trước đó.
Cừu là một trong những loài gia súc được con người thuần hóa sớm nhất. Chúng được nuôi để lấy lông, thịt, sữa và da. Theo các nhà khoa học, cừu là loài vật thông minh. Chúng có thể nhớ được khuôn mặt của hai con cừu khác, nhờ bạn bè sau hai năm không gặp. Đặc biệt, cừu còn có thể nhận ra các bạn của chúng qua ảnh.
Vậy, tại sao một loài vật thông minh như cừu lại chọn cách tự sát tập thể?
Vụ việc 1.500 con cừu đồng loạt nhảy khỏi vách đá để tự sát khiến giới khoa học "đau đầu" để giải mã. Sau khi tìm hiểu, khảo sát và loại trừ những trường hợp có thể xảy ra, theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân khiến đàn cừu ở Thổ Nhĩ Kỳ nhảy khỏi vách đá có liên quan trực tiếp đến đàn cừu. Cụ thể, "thủ phạm" trực tiếp là con cừu đầu đàn.
Trên thực tế, trong đàn cừu thường có con đầu đàn. Những con cừu thường làm theo sự chỉ dẫn, lãnh đạo của cừu đầu đàn. Do đó, khi chăn nuôi, người chăn cừu thường sẽ đặc biệt huấn luyện một con cừu đầu đàn. Khi chăn thả ngoài tự nhiên, cả đàn sẽ đi theo con cừu đầu đàn.
Vào tháng 11/2022, sau khi xem đoạn video đàn cừu ở Trung Quốc đi vòng tròn suốt 12 ngày đêm, Giáo sư Matt Bell tại khoa Nông nghiệp, thuộc ĐH Hartpury ở Gloucester, Anh, cho biết: "Cừu sống theo bầy đàn nên ngày càng có nhiều con khác bắt chước nhau, vì chúng có đặc tính gắn kết và tham gia cùng đồng loại".
Đâu là nguyên nhân khiến đàn cừu 1.500 con tự sát tập thể?
Theo các chuyên gia, huấn luyện cừu đầu đàn giúp tiết kiệm rất nhiều về nhân lực, vật lực khi chăn thả. Tuy nhiên, việc làm này lại có một nhược điểm chí mạng. Đó là cả bầy cũng có thể "mù quáng" đi theo cừu đầu đàn. Chẳng hạn, khi cừu đầu đàn qua sông, cả đàn cũng nối nhau theo qua sông. Khi cừu đầu đàn rơi khỏi vách đá do trượt chân thì cả bầy cũng theo đó mà nhảy khỏi vách đá.
Luôn làm theo "thủ lĩnh" cừu đầu đàn được cho là điều đã hằn sâu trong nhận thức của cả đàn cừu. Chính vì vậy, chúng có thể làm theo con đầu đàn mà không cần suy nghĩ. Đó cũng có thể là nguyên nhân 1.500 con cừu cùng nhau nhảy khỏi vách đá tự sát.
Việc cả đàn cừu tự sát cho thấy một sai lầm lớn của cừu đầu đàn rất có thể dẫn đến "thảm họa" tiêu diệt cả đàn.
Các chuyên gia cho biết, đàn cừu thường sống tại vùng đồng cỏ hoặc bán sa mạc. Những nơi này đều có đặc điểm là sẽ có sự thay đổi theo mùa. Khi thời tiết chuyển lạnh, nguồn thức ăn dần khan hiếm. Điều này cần có sự khôn ngoan và kinh nghiệm của con đầu đàn để dẫn dắt đàn cừu. Nhiệm vụ đặt ra là cần tìm được đồng cỏ mới để cả đàn có thể tồn tại.
Đương nhiên, trong suốt quá trình di cư, đàn cừu sẽ gặp phải một số nguy hiểm như tại đầm lầy, suối nước chảy xiết, vách đá hẹp… Đây cũng chính là những lúc thể hiện trách nhiệm của con đầu đàn.
Cụ thể, ở những nơi nguy hiểm này, những con cừu khác sẽ chỉ đi tiếp sau khi con đầu đàn đi qua, nếu không chúng sẽ chờ đợi tại chỗ.
Vì vậy, có thể nói rằng con đầu đàn chính là "thủ lĩnh" hình thành tự nhiên trong đàn trong quá trình tiến hóa. Con cừu đầu đàn đòi hỏi phải là "kẻ mạnh", dũng cảm nhất để dẫn dắt cả đàn tồn tại trong môi trường khắc nghiệt.
Bài viết tham khảo nguồn: Sciencealert, 163