Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (áo xanh) đề cập với các đối tác về lệnh trừng phạt Nga tại Hội nghị G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: AFP/Getty
Giới chức Mỹ đang thực hiện nỗ lực ngoại giao thầm lặng nhằm thúc đẩy các đối tác thương mại lớn của Nga thực thi các biện pháp trừng phạt và kiểm soát thương mại trong bối cảnh xuất khẩu tới Nga tăng mạnh trở lại sau khi sụt giảm trong những tuần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Mỹ và các đồng minh tuyên bố chiến thắng từ sớm trong chiến dịch sức ép quốc tế nhằm vào Nga, làm đứt gãy chuỗi cung ứng quân sự của Nga và đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu.
Dù vậy, theo các quan chức cấp cao của phương Tây, cái gọi là “kẽ hở trừng phạt” đang phá hoại chiến dịch gây sức ép đối với Nga, trong khi hỗ trợ nền kinh tế Nga và có khả năng kéo dài xung đột ở Ukraine hiện nay.
“Chúng tôi muốn tránh kịch bản này, ngay cả trong lòng châu Âu và ở các nước thứ ba. Các kẽ hở này tồn tại càng lâu thì mọi thứ sẽ càng khó đi đến hồi kết”, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách dịch vụ tài chính Mairead McGuinness cho biết.
Nỗ lực ngoại giao thầm lặng của Mỹ
Để thắt chặt hàng rào tài chính và thương mại do các nước phương Tây thiết lập, Mỹ đang cử các quan chức cấp cao từ các cơ quan chủ chốt đến nhiều nước. Nhiệm vụ của họ là chia sẻ thông tin tình báo về các mạng lưới trốn lệnh trừng phạt, đồng thời thu thập thông tin về các mạng lưới bị nghi ngờ vận chuyển hàng tiếp tế vào Nga, theo các quan chức chính quyền.
Vấn đề này đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh với các đối tác tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, vào tuần trước.
Đầu tháng này, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã tới Brussels, London và Paris. Bà Elizabeth Rosenberg, trợ lý bộ trưởng phụ trách tài chính khủng bố và tội phạm tài chính, gần đây đã tới Nhật Bản với nhiệm vụ tương tự.
Một nhóm gồm các quan chức cấp thấp hơn từ Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao cũng đang có các chuyến công tác trên khắp thế giới.
“Có những báo cáo công khai rằng hoạt động rửa tiền của Nga đang diễn ra mạnh mẽ trong thế giới Arab”, bà Rosenberg phát biểu tại một hội nghị của Liên minh các Ngân hàng Arab vào cuối tháng 10. Việc quan chức Mỹ sử dụng ngôn từ một cách thẳng thắn như vậy là nhằm mục đích cảnh báo.
“Tất cả chúng ta đều có quyền lợi không thể phủ nhận trong việc ngăn chặn, điều tra và loại các hoạt động như vậy”, bà Rosenberg nhấn mạnh.
Dữ liệu thương mại trong quý II cho thấy xuất khẩu sang Nga từ nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới đã giảm hơn 50% sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, theo phân tích dữ liệu thương mại của Wall Street Journal (WSJ), xuất khẩu sang Nga từ các nước này, trong đó có cả đồng minh truyền thống của Mỹ, đã phục hồi.
Theo phân tích của WSJ, xuất khẩu từ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản sang Nga vẫn thấp hơn so với mức trước khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow được áp đặt, nhưng đã phục hồi gần 1/3 tổn thất ban đầu.
EU tiếp tục mở rộng danh mục cấm xuất khẩu theo lệnh trừng phạt Nga, nhưng thương mại với Moscow không giảm mạnh như giai đoạn ban đầu.
Nhiều đối tác miễn cưỡng thực thi lệnh trừng phạt Nga
Các quan chức phương Tây lo ngại rằng các ngân hàng ở Áo, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ - một quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn áp dụng các lệnh trừng phạt của khối - đang có quan điểm mềm mỏng hơn trong việc thực thi lệnh trừng phạt Nga.
Trong khi hầu hết các công ty và ngân hàng đều tránh những giao dịch có khả năng vi phạm lệnh trừng phạt, “một số công ty trong ngành lại coi đây là cơ hội. Họ rất thoải mái khi làm việc với các quan chức chính phủ Nga”, ông George Voloshin, nhà điều tra lệnh trừng phạt Nga tại Hiệp hội các chuyên gia chống rửa tiền toàn cầu, cho biết.
Các cơ quan tài chính Thụy Sĩ hồi tháng 4 nói rằng nước này đã đóng băng khoảng 8 tỷ USD tài sản của Nga, nhưng đến tháng 5 cho biết họ đã giải phóng khoảng 3 tỷ USD trong số tài sản đó. Các nhà phân tích ước tính tổng tài sản của giới tài phiệt Nga ở Thụy Sĩ cao hơn nhiều.
Antje Baertschi, Người phát ngôn của Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ, cho biết mức độ tài sản của Nga bị chính phủ Thụy Sỹ phong tỏa “cao so với tiêu chuẩn quốc tế cũng như so với các chế độ trừng phạt khác”.
Hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo cho biết họ sẽ đánh giá các rủi ro tài chính với Nga, bao gồm cả khả năng rời khỏi Nga. Nhiều tháng sau đó, trong bản báo cáo quý III, RBI tiếp tục nói rằng ngân hàng này vẫn đang đánh giá các lựa chọn chiến lược ở Nga.
Ngược lại, hầu hết các ngân hàng phương Tây đều đã ngay lập tức hạn chế mọi giao dịch tài chính với Nga ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.
Ingrid Ditz, Người phát ngôn của RBI khẳng định ngân hàng này vẫn tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt hiện hành. Theo bà, RBI đã giảm 25% các khoản vay bằng đồng rúp cho khách hàng ở Nga kể từ đầu năm và hạn chế các khoản cho vay mới.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga thậm chí còn lớn hơn so với khi các lệnh trừng phạt mới được áp đặt. Các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ cung cấp tài chính và hàng hóa quan trọng cho chiến dịch quân sự cũng như nền kinh tế Nga.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà họ cho là bất hợp pháp.
Xuất khẩu sang Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã tăng khoảng 25% vào cuối quý II so với trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt. Dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga sau đó còn tăng nhiều hơn thế.
Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati nhấn mạnh, Ankara không làm suy yếu chiến dịch gây sức ép của phương Tây nhằm vào Nga.
“Chúng tôi thực hiện giao dịch thương mại với Nga trong các lĩnh vực không chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào”, ông Nebati phát biểu với WSJ trong một cuộc phỏng vấn./.