Binh lính Nga ở Crimea hồi tháng 9. Ảnh: Sputnik
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Sky News ngày 19-11, Thứ trưởng Gavrilov tuyên bố cái được gọi là "thiên nga đen" (hay một sự kiện bất ngờ) có thể mang lại chiến thắng cho Ukraine .
Ông Gavrilov c ho biết: "Có một lựa chọn quân sự cũng như một số hình thức kết hợp lực lượng, các nguồn lực và các yếu tố khác. Chúng tôi có thể tiến vào Crimea vào cuối tháng 12. Có khả thi hay không? Khả thi. Không loại trừ khả năng đó".
Khi được hỏi loại sự kiện "thiên nga đen" nào có thể xảy ra trong những tháng tới, ông Gavrilov gợi ý rằng người Nga "có thể vỡ mộng" với tình hình chiến trường tại Ukraine.
Nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Gavrilov nói rằng Kiev sẽ nối lại đàm phán với Mowcow "chỉ khi Nga sẵn sàng rời khỏi lãnh thổ Ukraine". Ông Gavrilov cũng nhận định cuộc xung đột hiện nay sẽ kết thúc vào cuối mùa xuân.
Crimea sáp nhập Nga ngay sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev. Hồi tháng 7-2022, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia NATO nào từ chối coi Crimea là một phần của Nga sẽ bị coi là một mối đe dọa.
Vào đầu tháng 10, Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk cùng các vùng Zaporizhzhia và Kherson đã tổ chức trưng cầu ý dân sáp nhập Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ mới "với toàn bộ lực lượng và mọi phương tiện" mà nước Nga có.
Tuần trước, quân đội Nga đã rút khỏi Kherson, trong bối cảnh lo ngại lực lượng Ukraine có thể phá hủy một đập thủy điện gần đó, từ đó gây ra lũ lụt có thể dẫn đến thương vong cho binh lính và dân thường.
Đức cùng nhiều quốc gia phương Tây đã và đang cung cấp cho Ukraine các khí tài quân sự. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết phương Tây nên cố gắng hết sức để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dù cho rằng vẫn cần phải tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để đối phó Moscow.
Phát biểu tại hội nghị Đảng Dân chủ Xã hội Đức ở TP Friedrichshafen - miền Nam nước Đức, ông Scholz nói rằng trong khi tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, các nước phương Tây cũng nên thận trọng và đảm bảo "không có sự leo thang nào có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và NATO". Ông Scholz nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải hành động thận trọng và dứt khoát cùng một lúc".
Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi hồi tháng trước ông cảnh báo không nên thực hiện "những bước đi bất cẩn" trong cuộc xung đột Ukraine. Khi đó, ông lưu ý "không được có xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO", theo đài RT .
Đức cùng nhiều quốc gia phương Tây đã và đang cung cấp cho Ukraine các khí tài quân sự, bao gồm súng phòng không Gepard, bệ phóng tên lửa đa năng MARS II, hệ thống phòng không IRIS-T. Về phía Moscow, nước này nhiều lần cảnh báo rằng các lô vũ khí trên sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.