Mỹ vẫn còn cơ hội tại Syria nếu…

Aleppo thất thủ cũng là thất bại của Mỹ, song cơ hội cho cường quốc này tại Aleppo, Syria vẫn còn nếu hợp tác với Nga.

Tín hiệu hợp tác

Hãng tin AFP của Pháp bình luận việc quân nổi dậy Syria thất thủ ở thành phố Aleppo bị coi là một thất bại của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi không thể thúc đẩy thành công lệnh ngừng bắn nhằm tạo tiền đề giải quyết cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có một khởi đầu mới, bởi ông là người muốn thay đổi chính sách đối ngoại với Nga.

Chiến thắng của quân đội Syria, được Nga hậu thuẫn, đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad củng cố quyền lực trong bối cảnh Tổng thống đắc cử của Mỹ phủ nhận các nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền tại Damascus và tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ quân nổi dậy.

 Mỹ vẫn còn cơ hội tại Syria nếu…  - Ảnh 1.

Binh sĩ chính phủ Syria tuần tra tại quận Sheikh Saeed, Aleppo sau khi giành lại quyền kiểm soát khu vực này ngày 12/12.

Tỷ phú Donald Trump, một người không có bất kỳ kinh nghiệm nào về chính sách đối ngoại, sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017 tới. Ông từng nói rằng ông muốn thay đổi mối quan hệ với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin và phối hợp với Moskva trong việc chống lại các mối đe dọa thánh chiến.

Ông Trump cũng đặt câu hỏi về những hỗ trợ giới hạn mà Mỹ dành cho lực lượng nổi dậy chống lại Chính phủ Syria, nhấn mạnh rằng Washington không “hiểu rõ” đâu là lực lượng mà họ phải đương đầu, và tốt hơn hết là không hỗ trợ quân nổi dậy.

Phát biểu tại Ohio trước những người ủng hộ, ông Trump nói: “Các bạn thân mến, chúng ta sẽ dừng việc tìm cách lật đổ các chế độ và thay thế các chính phủ”.

Ông nói rằng cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông đã tiêu tốn tới 6 nghìn tỷ USD. Nhắc tới cuộc chiến chưa có hồi kết tại Libya, Iraq, Yemen và Syria kể từ sau các cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arập”, ông Trump nói: “Mục đích của chúng ta là ổn định, không phải bất ổn…

Chúng ta sẽ phối hợp với mọi quốc gia sẵn lòng cùng chúng ta đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan”.

Lời kêu gọi này được xem là phản ánh ý định hợp tác với Moskva của chính quyền sắp tới tại Washington.

Trên thực tế, Mỹ từng thực thi một chính sách như vậy. Trước khi làn sóng “Mùa xuân Arập” bùng phát, Washington đã phối hợp với nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực nhằm duy trì ổn định trước nguy cơ liên tục diễn ra các phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu đáng chú ý hồi tháng 6/2009 tại Cairo (Ai Cập) trước cộng đồng Hồi giáo, Tổng thống Obama, một mặt tuyên bố chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực, mặt khác đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh mà Mỹ cho là dân chủ trong khu vực.

Tuy nhiên, những hy vọng to lớn và được khơi gợi từ bài phát biểu của ông Obama đã nhanh chóng tiêu tan. Libya và Yemen đều đang chìm trong bất ổn, Ai Cập tiếp tục nằm dưới chế độ quân sự và Syria thì chìm trong chiến tranh.

AFP cho rằng, Mỹ có thể rời đi song họ vẫn còn trách nhiệm chưa hoàn thành trong cuộc chiến chống IS, một nhóm thánh chiến với tham vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo tại phía Đông Syria và phía Bắc Iraq để vươn tầm ra toàn thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại