Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,1% trong tháng 5 so với năm ngoái. Ảnh: EPA-EFE.
Sự trái ngược giữa Trung Quốc và phương Tây
Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, dù đã là mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, con số trên là khá thấp khi xét đến mức tăng 8,6% tại Mỹ và 8,1% trong khối Eurozone ở cùng thời điểm. Tại Anh, tỉ lệ lạm phát đã tăng lên 9% trong tháng 4.
Cuộc chiến tại Ukraine đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu, bao gồm năng lượng, phân bón hay lúa mỳ, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo cuộc xung đột có thể dẫn đến đà tăng giá hàng hoá lớn nhất trong 5 thập kỷ trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc hiện vẫn tự chủ được nguồn cung thực phẩm, nhưng vẫn thận trọng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ việc giá hàng hoá thế giới tăng cao.
Chỉ số CPI lõi của Trung Quốc, không bao gồm mức giá biến động của thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,9% trong tháng trước, và không đổi so với tháng 4. Lạm phát trong 5 tháng đầu năm tăng 1,5%, vẫn ở dưới mức mục tiêu của chính phủ vào khoảng 3%.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), nhằm đo lường giá hàng hoá thành phẩm, cũng tăng 6,4% trong tháng 5, giảm từ mức đỉnh 13,5% vào tháng 10/2021.
Giới chức Trung Quốc đã chỉ ra sự khác biệt giữa tỉ lệ lạm phát tại nước này và các nước châu Âu đến từ các biện pháp kích thích tiêu dùng của phương Tây, mà cụ thể là việc in thêm tiền số lượng lớn chưa từng có nhằm giải cứu nền kinh tế trước hệ quả của đại dịch COVID-19.
Bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong 2 năm qua đã tăng gấp đôi lên 8,9 nghìn tỷ USD, trong khi Bắc Kinh, vốn tỏ ra thận trọng trước các chính sách kích cầu, đã không thực thi những biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ cũng phụ thuộc lớn vào nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng, trong khi quy mô sản xuất lớn của Trung Quốc đã tạo không gian cho nước này giảm tác động từ đà tăng giá hàng hoá trên thị trường toàn cầu.
Việc lạm phát tăng nhẹ của Trung Quốc cũng được lý giải bởi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh dưới chính sách zero Covid của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện là trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là khi chuỗi cung ứng thế giới bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, việc tăng giá thành sản xuất không ảnh hưởng quá nhiều tới nhu cầu từ nước ngoài.
Nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tỏ ra cảnh giác trước lạm phát.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang trong tháng 4 cho biết mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là đảm bảo ổn định giá hàng hoá và thị trường lao động.
Lạm phát cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ nợ gia đình trên GDP, vốn đã tăng tới 61,6% trong năm ngoái từ mức 18% vào năm 2008, và COVID-19 đã khiến tình hình này tồi tệ hơn.
Giá xăng tăng tại Trung Quốc do tác động từ giá dầu thô thế giới tăng cao, đã buộc nhiều hộ dân phải chuyển sang sử dụng vận tải công cộng hay xe điện.
Giá lúa gạo trong 5 tháng đầu năm tăng 2,2% so với một năm trước, hay giá trứng cũng tăng 6,8%.
Việc đảm bảo chuỗi cung ứng nội địa về lúa gạo và năng lượng là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ Trung Quốc.
Một số chuyên gia lo ngại CPI của nước này có thể tăng khi giá lúa và dầu thô tăng. WB dự báo giá lúa mỳ và dầu thô Brent sẽ tăng khoảng 40% trong năm nay.
Theo đó, lạm phát của Trung Quốc sẽ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá do hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, nhu cầu nhập khẩu giảm của thế giới, và sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ.
"Nhìn chung, chu kỳ tăng giá của thịt lợn và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng giá tiêu dùng, nhưng mức tăng sẽ không quá cao", Ngân hàng đầu tư Trung Quốc China International Capital Corporation (CICC) nhận định, đồng thời kỳ vọng mức lạm phát cả năm sẽ chỉ giao động quanh 2,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra.