Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO vì tổ chức này "thành kiến với Israel"

Tất Đạt |

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận quốc gia này sẽ chính thức rút khỏi UNESCO vào ngày 31/12 năm nay vì tổ chức này "bài Israel" và cần một cuộc cải tổ toàn diện.

"Quyết định sẽ được nghiêm túc thực hiện, và qua đây phản ánh mối quan ngại của Mỹ với những khoản nợ chưa trả của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), tính cấp thiết của việc cải tổ lại tổ chức và xu hướng 'bài Israel' vẫn đang diễn ra tại đây," Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Tuy nhiên, Washington vẫn sẽ tiếp tục ở trong tổ chức "như một quan sát viên với mục đích cống hiến góc nhìn, quan điểm và ý kiến chuyên môn từ phía Mỹ" cho UNESCO. Chính phủ Mỹ không đưa ra bình luận gì thêm.

Mỹ đã ngừng tài trợ cho UNESCO sau khi tổ chức này đồng thuận kết nạp Palestine làm thành viên mới từ năm 2011, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn duy trì hoạt động tại văn phòng UNESCO và tham gia vào các chính sách của tổ chức. 

Tới nay, Mỹ nợ tổ chức khoảng 550 triệu USD cho các khoản chưa chi trả. 

Cùng ngày 12/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho biết Israel đang có kế hoạch rút khỏi tổ chức, bởi UNESCO đã trở thành "một nơi kì quặc, làm méo mó sự thật lịch sử". 

Israel tức giận vì UNESCO đã gọi các khu vực của người Do Thái cổ là di sản Palestine trong các nghị quyết mới đây. Việc này đã làm giảm mối liên hệ lịch sử của Israel với vùng Đất Thánh như trong tôn giáo của quốc gia này. 

Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, phát biểu: "UNESCO có mục tiêu hoạt động chính đáng. Nhưng các chính sách mang tính chính trị tại tổ chức đã trở thành sự hổ thẹn." 

Theo bà Haley, quyết định xếp Lăng mộ của Tổ phụ ở Hebron, Bờ Tây là Di sản Văn hóa Thế giới "chỉ là hành động khó hiểu mới nhất". Bà chỉ trích việc UNESCO giữ tổng thống Syria Bashar al-Assad trong hội đồng nhân quyền của tổ chức, trong khi Mỹ cáo buộc chính quyền của ông có những hành động chống lại dân thường trong cuộc xung đột ở Syria.

Trước đó, trả lời AP, các quan chức Washington cũng cho biết Mỹ đang lên kế hoạch rút khỏi UNESCO sau hàng loạt những chỉ trích nhằm vào các nghị quyết mà chính quyền Trump hiểu là "bài trừ Israel".

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết bà đã nhận thông báo chính thức từ Ngoại trưởng Rex Tillerson, nói rằng bà "rất tiếc về quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ. Đây là tổn thất lớn cho nền đa văn hóa của ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc".

Bà nói thêm: "Giữa thời điểm cuộc chiến chống lại khủng bố đang căng thẳng, cần tới những nguồn tái đầu tư cho giáo dục, cho những cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm tránh tư tưởng thù địch, việc Mỹ - quốc gia đi đầu giải quyết các vấn đề này – rút khỏi UNESCO là một tổn thất lớn cho thế giới."

Theo bà, từ năm 2011, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tài chính cho tổ chức sau khi UNESCO chấp nhận Palestine là thành viên mới.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn duy trì một sứ mệnh quan trọng tại trụ sở UNESCO ở Paris. Mỹ là một trong những quốc gia giúp thành lập cơ quan này hồi năm 1945.

Archibald MacLeish, người Mỹ đầu tiên trong ban điều hành UNESCO, là tác giả của lời mở đầu nổi tiếng trong Hiến pháp năm 1945 của tổ chức: "Vì chiến tranh khởi nguồn từ suy nghĩ của con người nên chính từ trong suy nghĩ, chúng ta phải xây dựng hòa bình."

Mỹ đã từng rút khỏi UNESCO 1 lần vào năm 1984 bởi "sự cách biệt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và các mục tiêu của UNESCO." Sau 19 năm, Washington lại gia nhập tổ chức vào tháng 10/2003.

Phát biểu tại lễ tái gia nhập, Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu: "Để đảm bảo lời cam kết với nhân loại, Mỹ sẽ trở lại UNESCO. Tổ chức này đã được cải tổ và Mỹ sẽ tham gia vào toàn bộ các sứ mệnh để thúc đẩy nhân quyền và tri thức."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại