Ở giữa họ sẽ là đại diện các nước khác, bị kéo và đẩy bởi đồng minh truyền thống, các lợi ích thương mại và lợi ích tương lai khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại.
Áp lực đó ngày càng gia tăng, đặc biệt với các nước láng giềng của Trung Quốc, khi cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường vượt qua cả các đòn thuế ăn miếng trả miếng sang những vấn đề địa chính trị và quốc phòng.
Một tiến triển tích cực là ông Tập và ông Trump đã khẳng định sẽ có một cuộc gặp mở rộng bên lề thượng đỉnh G20 trong tuần này, mang lại hy vọng hai bên sẽ xuống thang.
Hai nhà lãnh đạo đã tạo tiền lệ tại G20 năm ngoái ở Buenos Aires, Argentina, với một cuộc gặp dẫn đến thỏa thuận đình chiến thương mại trong 60 ngày. Từ đó đến nay, nhiều vòng đàm phán giữa hai nước diễn ra ở Washington và Bắc Kinh với hy vọng tiến tới một thỏa thuận.
Nhưng những nỗ lực đó ngưng lại từ đầu tháng 5, khi Mỹ nâng thuê với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông Trump sau đó dọa sẽ tăng thuế lên hầu như tất cả số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, với trị giá 300 tỷ USD, nếu cuộc gặp với ông Tập không diễn ra tại G20 này.
Một nước cảm nhận nhiều nhất sức ép từ cuộc cạnh tranh đó là Hàn quốc, một đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực và cũng là một đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.
Hàn Quốc đang chịu áp lực của Mỹ phải đóng vai trò chủ động hơn trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở khu vực. Nhưng Seoul cũng cảnh giác với nguy cơ phá hỏng quan hệ thương mại với Trung Quốc.
“Seoul đang chịu sức ép cực kỳ lớn từ Washington và Bắc Kinh”, SCMP dẫn lời một nguồn tin ngoại giao từ Seoul cho biết.
Nguồn tin này nói rằng Mỹ ép Hàn Quốc đưa tàu chiến vào biển Đông như một cử chỉ nhằm phản đối Trung Quốc mở rộng hiện diện ở khu vực tranh chấp này, nhưng Seoul đã khước từ, với lý do là cần tập trung đề phòng các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Seoul cũng bị thúc giục phải cấm Huawei làm ăn với các công ty Hàn Quốc.
“Mối đe dọa từ Triều Tiên có thể được sử dụng như một cái cớ để hạn chế phạm vi hoạt động của Seoul, để tránh xa tranh chấp trên biển Đông...Nhưng xung đột quanh Huawei lại khác. Nó giống như lửa cháy trong sân nhà chúng tôi...Nó có thể gây tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên nền kinh tế”, nguồn tin nói.
Vị trí của Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ là giữa bức ảnh, cách đều ông Tập và ông Trump. Nhà lãnh đạo Indonesia đang dẫn dắt một quốc gia không liên minh, bất chấp rủi ro chiến tranh thương mại mở rộng có thể gây tổn thất nhiều hơn cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều vấn đề của nước này.
Ông Zamroni Salim, công tác tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Khoa học Indonesia, nói rằng Indonesia sẽ không chọn phe trong cuộc ganh đua Mỹ - Trung.
“Indonesia áp dụng quan điểm không liên minh. Các quốc gia G20 khác cũng phải có quan điểm không ủng hộ Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, các nước cần có quan điểm trung lập để không làm tình hình kinh tế thế giới tồi tệ hơn”, ông Salim nói.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á về phe mình với lời kêu gọi ủng hộ “trật tự thương mại toàn cầu”.
“Mỹ lạm dụng các biện pháp thuế và sử dụng chiêu gây sức ép tối đa là không phù hợp với các nguyên tắc của cạnh tranh thị trường và đạo đức kinh doanh cơ bản”, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian viết trong một bài thể hiện quan điểm riêng đăng trên báo Bisnis Indonesia đầu tháng này.
Nhưng GS Pang Zhongying, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị toàn cầu tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng nỗ lực vận động của Bắc Kinh đạt được rất ít hiệu quả, vì hầu hết các quốc gia đều muốn tránh chiến tranh thương mại.
“Trung Quốc có thể tổ chức các cuộc gặp bên lề với một số nước như BRICS, nhưng Trung Quốc có thể làm rất ít để thuyết phục họ đứng cùng phe nhằm đối phó với Mỹ”, ông Pang nói.
Ông Chen Gang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc ĐHQG Singapore, chia sẻ quan điểm tương tự.
Nga sẵn sàng
Về phần mình, Ấn Độ cũng không thể chọn phe. Nước này có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng là một đối tác quan trọng của họ.
Báo chí Ấn Độ đầu tháng này đưa tin rằng Trung Quốc muốn Ấn Độ và Nga ủng hộ để hình thành một sáng kiến thương mại đa phương dựa trên các luật lệ mới, nhằm đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump. Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tỏ ra thích duy trì cân bằng hơn.
Và cũng giống cuộc gặp ở Buenos Aires năm ngoái, ông Modi năm nay sẽ tham dự 2 cuộc gặp 3 bên, một cuộc với Nga và Trung Quốc, còn cuộc kia với Mỹ và Nhật Bản.
Nhưng có một thành viên BRICS, và cũng là thành viên G20, sẵn sàng chọn phe.
Nga chia sẻ quan điểm chung với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên và Iran. Bắc Kinh và Mátxcơva đều chỉ trích chuyện Mỹ điều thêm quân đến Trung Đông, cảnh báo hành động này không khác gì mở chiếc hộp Pandora. Cả hai nước đều muốn làm trung gian để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
“Rõ ràng Nga đang ủng hộ Trung Quốc, với biểu hiện gần đây nhất là việc Nga cấp phép cho Huawei vào thị trường Nga, đưa hãng này thành một đối tác chính để phát triển mạng 5G”, ông Vasilii Kashin, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu tại Trường Cao học Kinh tế thuộc ĐH Nghiên cứu quốc gia ở Mátxcơva, nói.
Theo chuyên gia này, Nga cũng sẽ chịu thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu cuộc cạnh tranh này dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Nga hy vọng có thể bù đắp từ việc được xuất khẩu hàng nhiều hơn sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có ưu tiên riêng tại G20. Ông có thể gặp ông Trump, dự kiến gặp Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. “Nga sẽ khám phá cơ hội đối thoại với Mỹ, đặc biệt trong lixnhv ực kiểm soát vũ khí”, ông Kashin nói.
Thay vì việc chọn phe, Nhật Bản, với tư cách chủ nhà thượng đỉnh G20 năm nay, mong muốn đóng vai trò dẫn dắt.
Nước đồng minh lâu năm này của Mỹ muốn dùng G20 để thúc đẩy việc cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới, quản lý tốt hơn nền kinh tế số và sự cần thiết phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước thềm hội nghị này, ông Abe sang thăm Iran với hy vọng có thể hòa giải quan hệ Iran – Mỹ.
Ông Atsushi Tago, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Waseda ở Tokyo, cho rằng ông Abe muốn được nhìn nhận như một “người bảo vệ trật tự quốc tế tự do”, bằng cách trao sức mạnh mới cho cơ chế kinh tế tự do dựa trên luật lệ.
“Đặc biệt khi Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thôi lãnh đạo trong tương lai gần, ông Abe có thể nghĩ ông ấy chính là người bảo vệ cuối cùng của giá trị chung giữa các nền dân chủ lớn”, ông Tago nói.
Theo ông Akio Takahara, một chuyên gia về Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại ĐH Tokyo, Nhật Bản cũng chịu tổn thất từ các hành động thương mại của Mỹ, nhưng bất kỳ quốc gia nào cũng khó trở thành người hòa giải trung thực. Và Nhật Bản cũng không muốn chọn phe trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.