Mỹ-Trung có thể cắt đứt quan hệ hoàn toàn hay không: Câu trả lời từ cựu Bộ trưởng Thương mại TQ

Hồng Anh |

Theo cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh, quá trình "phân ly" trong mối quan hệ của hai nước Mỹ-Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Quá trình "phân ly" trong mối quan hệ của hai nước Mỹ-Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng viễn cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cắt đứt quan hệ hoàn toàn "gần như là bất khả thi", cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh (Chen Deming) nhận định.

Cụ thể, ông Trần, người từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thương mại của Trung Quốc từ năm 2007-2013, cho biết việc Mỹ nhắm đến các công ty Trung Quốc như gã khổng lồ viễn thông Huawei là một ví dụ điển hình cho sự "phân ly" nói trên.

Washington đã hạn chế quyền tiếp cận công nghệ chất bán dẫn quan trọng của Huawei vì những lo ngại về an ninh quốc gia, sau đó tiếp tục gia tăng áp lực đối với một số tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc như Tencent và ByteDance, khiến các tập đoàn này gặp khó khi hoạt động trong thị trường Mỹ.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng việc [Mỹ và Trung Quốc] cắt đứt quan hệ hoàn toàn là điều rất khó khăn và gần như bất khả thi", đài CNBC (Mỹ) trích dẫn nhận định của ông Trần tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Singapore.

"Chúng ta không thể quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi hai thị trường trên thế giới không có bất cứ trao đổi thương mại hay liên lạc nào với nhau", cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc gợi nhớ về thời kỳ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến II.

Mỹ-Trung có thể cắt đứt quan hệ hoàn toàn hay không: Câu trả lời từ cựu Bộ trưởng Thương mại TQ - Ảnh 1.

Ông Trần Đức Minh, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc

Trong những tháng gần đây, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc đang có chiều hướng xấu đi, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các công ty của Mỹ và nhiều quốc gia khác lại không mặn mà với ý tưởng rút khỏi Trung Quốc, và thậm chí, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Trung Quốc nhận được trong năm nay còn có xu hướng tăng so với năm ngoái, ông Trần cho biết.

Ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cấp cao và Bộ trưởng điều phối an ninh quốc gia của Singapore, cũng đưa ra nhận định tương tự rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không muốn rút khỏi thị trường Trung Quốc.

"[Trung Quốc] là một thị trường lớn, và thị trường này vẫn có sức tăng trưởng đáng kể", ông Tharman bình luận tại một phiên thảo luận khác của hội nghị.

Theo vị quan chức này, căng thẳng Mỹ-Trung có thể leo thang, nhưng phần còn lại của thế giới vẫn "có đủ chỗ để tiếp tục tìm cách thiết lập các mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên" với những quốc gia có suy nghĩ tương đồng. Điều này cũng bao gồm việc các nước tăng cường thắt chặt mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, ông Tharman nói.

Theo vị Bộ trưởng cấp cao của Singapore: "Cá nhân tôi cảm thấy rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt đẹp hơn. Hiện nay chủ nghĩa đa phương đang đứng trước mối đe dọa lớn hơn nhiều so với nhiều năm trước, thậm chí là so với 1 hay 2 năm trước.

Nhưng chúng ta cũng có thể làm được rất nhiều điều... ví dụ như thiết lập liên minh. Hãy gọi chúng là liên minh đa biên: Chúng ta sẽ hợp tác với bất cứ ai có suy nghĩ tương đồng, để đảm bảo rằng chúng ta vẫn tiếp tục cởi mở và trở nên cởi mở hơn nữa".

WTO đưa ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, Mỹ nổi giận

Hôm 15/9 vừa qua, WTO đã phán quyết rằng việc Mỹ áp thuế quan bổ sung đối với hơn 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018 là phá vỡ các quy định thương mại quốc tế.

Các chuyên gia của WTO cho biết Mỹ "đã không đáp ứng được yêu cầu chứng minh rằng các biện pháp [thuế quan] là hợp lý". Mặc dù vậy, Washington vẫn có thể phủ quyết phán quyết này bằng cách đệ đơn kháng cáo trong vòng 60 ngày tiếp theo.

Trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc ca ngợi quyết định của WTO là "khách quan và chính xác", thì phía Mỹ tranh luận rằng việc áp thuế bổ sung là hợp lý vì Trung Quốc có hành động đánh cắp tài sản trí tuệ của họ, hơn nữa các công ty của Mỹ còn bị bắt phải chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường châu Á này. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có phản ứng gay gắt trước phán quyết của WTO.

Phán quyết của WTO sẽ không có hiệu lực ngay lập tức đối với thuế quan của Mỹ. Đây chỉ là bước khởi đầu của quy trình pháp lý có thể kéo dài nhiều năm, dẫn đến việc WTO có thể thông qua các biện pháp trả đũa nếu như phán quyết này được thực thi.P

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại