Nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa về phía Mỹ, khả năng cao nhất là nó bay qua Bắc Cực. Muốn bắn hạ tên lửa này, Mỹ khó tránh khả năng phải hành động trong khu vực "phủ sóng" của radar Nga, thậm chí tên lửa đánh chặn có thể phải bay qua không phận Nga.
Đánh "vào tận răng"
Tướng Lori Robinson, người đứng đầu cả Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ và Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ, hôm 27-9 nhấn mạnh họ biết rõ kịch bản trên và tìm biện pháp xử lý.
Tới cuối năm nay, Mỹ sẽ triển khai 44 tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI), trong đó 40 tên lửa biên chế tại căn cứ ở Fort Greely, bang Alaska và 4 ở Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California.
Nếu chiến lược ngăn chặn bất thành, những tên lửa nói trên sẽ là biện pháp phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên. Bất cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào hướng về nước Mỹ sắp tới có thể đối mặt với không dưới 4 GBI.
Hồi tuần trước, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Joshua Pollack, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, đã nói tại một cuộc hội thảo ở thủ đô Washington rằng con đường đánh chặn tên lửa khả thi nhất là nhắm GBI vào ngay mạng lưới cảnh báo sớm của Nga.
Phương án này sẽ phụ thuộc vào đường đi và tốc độ của tên lửa, cũng như sự phản ứng nhanh đến đâu của hệ thống đánh chặn tên lửa Mỹ.
"Bảo vệ một mục tiêu bờ Tây (Mỹ) nghĩa là sẽ đánh chặn ngay trên không phận Viễn Đông của Nga" - ông Pollack chỉ rõ.
Chuyên gia nghiên cứu vũ khí của Trường ĐH Cornell, ông George Nelson Lewis, lại cho rằng tiến trình đánh chặn hiệu quả nhất có thể là khi tên lửa đi xuống, chứ không phải lúc nó từ Triều Tiên bay qua nước Nga. "Tốc độ chậm lại (của tên lửa khi đến gần mục tiêu) sẽ cho phép hệ thống đánh chặn có nhiều thời gian nhắm mục tiêu hơn, từ đó độ chính xác cao hơn" - ông Lewis phân tích.
Tuy vậy, ông Pollack lại chỉ ra rằng tìm cách đánh chặn tên lửa sớm nhất có thể trên đường bay sẽ gia tăng cơ hội bắn trúng, đặc biệt là trong trường hợp phải bắn tới phát thứ hai.
"Hãy xem xét kịch bản này ở bờ Tây: Nếu Alaska bắn tên lửa đánh chặn qua Siberia nhưng không trúng, California có thể có một cơ hội nữa. Nhưng nếu Alaska ra tay trễ hơn, đó có thể là cơ hội duy nhất" - ông Pollack nói.
Thể hiện sức mạnh
Tất nhiên, Nga sẽ không thích kịch bản đọ tên lửa Mỹ - Triều ngay trên đầu mình. Đại sứ lưu động của Nga Oleg Burmistrov và Tổng Giám đốc Cơ quan Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 29-9 nhóm họp kín tại Moscow để thảo luận về khủng hoảng Triều Tiên.
Trong khi đó, các binh lính Nga được trang bị súng trường và chó nghiệp vụ đã được phái tới tăng cường tuần tra khu vực biên giới chủ chốt của nước này giáp với Triều Tiên và Trung Quốc, hãng thông tấn TASS của Nga cho biết hôm 28-9.
Quân đội Nga hồi đầu tuần còn tiến hành một cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tổ chức các cuộc tập trận liên quan tới các đơn vị tên lửa ở Siberia. Giới chuyên gia tin rằng Moscow đang muốn thể hiện sức mạnh quân sự giữa lúc bán đảo Triều Tiên không ngừng tăng nhiệt.
Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng tích cực củng cố an ninh tại khu vực biên giới giáp Triều Tiên. Theo tờ South China Morning Post, các lực lượng biên phòng trực thuộc Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề biên giới, thắt chặt giám sát các khu vực ven biển, đẩy mạnh công tác chống khủng bố.
Trong khi đó, phía Triều Tiên những ngày gần đây loan tin rầm rộ rằng khoảng 4,7 triệu sinh viên, công nhân nước này - bao gồm 1,22 triệu phụ nữ - sẵn sàng nhập ngũ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết trả đũa Mỹ.
Giới chức lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh báo khả năng Triều Tiên sắp tiến hành thêm các hành động khiêu khích quân sự trong bối cảnh Bình Nhưỡng sẽ kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10-10 tới.
Trung Quốc "vừa đánh vừa xoa"?
Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức ép lên chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên bằng cách đánh vào nguồn thu của Bình Nhưỡng.
Mới nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc cuối ngày 28-9 cho biết các doanh nghiệp Triều Tiên và công ty liên doanh Trung - Triều hoạt động ở nước này phải đóng cửa trong vòng 120 ngày, tính từ thời điểm Liên Hiệp Quốc công bố các biện pháp trừng phạt mới (hôm 12-9).
Tuy nhiên, Bắc Kinh không ra lệnh các công ty Trung Quốc làm ăn tại Triều Tiên ngừng hoạt động trong lúc một số dự án cũng được miễn trừ, nhất là những dự án hạ tầng công phi lợi nhuận và phi thương mại.
Bất chấp sự nương tay nói trên, tờ Financial Times nhận định bước đi mới nhất của Trung Quốc có thể gây tổn hại đến một huyết mạch quan trọng của nền kinh tế Triều Tiên. Hàng trăm công ty Triều Tiên đang hoạt động ở miền Đông Bắc Trung Quốc và Bình Nhưỡng dựa vào hoạt động giao thương với bên ngoài để mua nguyên vật liệu công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng.
Ông Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie Tsinghua, nhận định lệnh nói trên của Bộ Thương mại Trung Quốc không gây nhiều ngạc nhiên bởi nó phù hợp với nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tác động của lệnh này sẽ rất đáng kể bởi nhiều doanh nghiệp, công ty liên doanh, nhà hàng Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng. Ở chiều ngược lại, lệnh trên cũng khiến nguồn thu của chính quyền các địa phương Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên sụt giảm.
Ngay cả khi mạnh tay hơn với Triều Tiên, Trung Quốc vẫn không muốn đi quá xa bởi nỗi lo thảm họa nhân đạo và sự hỗn loạn sát biên giới mình. Điều này thể hiện phần nào qua dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trong tuần này.
Theo đó, kim ngạch thương mại song phương Trung - Triều trong tháng 8-2017 đạt mức 604,27 triệu USD, cao nhất kể từ tháng 12-2016. Đáng chú ý, xuất khẩu lương thực từ Trung Quốc sang Triều Tiên tăng vọt (bắp tăng 4.600% và lúa mì tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, Bắc Kinh còn nối lại nhập khẩu than (1,6 triệu tấn) của Bình Nhưỡng trong tháng rồi trước khi lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực từ ngày 5-9.
Dù sao thì động thái trừng phạt mới nhất của Trung Quốc chắc chắn khiến quan hệ với Triều Tiên thêm xấu đi nhưng lại khiến Mỹ hài lòng. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm 28-9, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thorton đánh giá Trung Quốc đang có tiến triển trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, qua đó thể hiện sự thay đổi chính sách.
Bà Thorton đưa ra nhận định trên ngay trước khi tháp tùng Ngoại trưởng Rex Tillerson lên đường thăm Trung Quốc. Một trong những mục đích của chuyến đi là tìm kiếm sự hợp tác của nước chủ nhà trong nỗ lực gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng.
(Hoàng Phương)