Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất

Tất Đạt |

Hãng RT đã tổng hợp lại những nét chính sau 2 năm lực lượng quân sự Nga tham chiến tại Syria, nơi tập trung nhiều mâu thuẫn nhất khu vực Trung Đông trong nhiều năm qua.

Ngày hôm nay (30/9) đánh dấu 2 năm tròn Nga chính thức hoạt động quân sự tại Syria.

Trong thời gian qua, quân đội Nga đã chịu nhiều thiệt hại nhưng cũng gặt hái được nhiều thành quả, từng nhiều lần có cơ hội kết thúc cuộc giao tranh đẫm máu, và cũng vì cuộc chiến này mà mâu thuẫn Nga – Mỹ đôi lúc lên tới đỉnh điểm.

Ngày 30/9/2015, Nga chính thức tiến quân về Syria, bước đầu đặt căn cứ quân sự và vận chuyển khí tài tới Latakia.

Nhận lời đề nghị từ chính phủ Syria, Moskva khẳng định sự hiện hiện của Nga trong khu vực là điều cần thiết để ngăn chặn quân nổi dậy và các nhóm khủng bố chiếm Syria, biến nơi đây thành điểm nóng khủng bố, đe dọa trực tiếp Nga và các nước lân cận.

Chiếm lại Aleppo

Tháng 9/2016, lực lượng quân đội chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của không quân Nga, bắt đầu chiếm lại Aleppo, thành phố đông dân cư nhất Syria. Tại thời điểm này, Aleppo bị chia cắt, với phía tây được quản lí bởi quân chính phủ và phía đông bởi các nhóm nổi dậy, trong đó có cả địa bàn của nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra.

Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất - Ảnh 1.

Người dân Aleppo tìm kiếm người còn sống sau trận đánh bom. Ảnh:ABDALRHMAN ISMAIL/REUTERS

Các cuộc chiến nơi thành thị cùng với việc người dân bị kiểm soát nghiêm ngặt, không cho rời thành phố đã khiến số người thiệt mạng tăng cao. Truyền thông phương Tây thường xuyên cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho việc đã gây ra "tội ác chiến tranh" và khủng hoảng nhân đạo.

Ngày 4/6/2017, quân đội Syria tuyên bố đã hoàn toàn giải phóng Aleppo khỏi tay IS. Sau đó, hàng trăm nghìn người Syria phải ly tán khỏi Aleppo quay trở về mặc cho những khó khăn chồng chất chưa thể giải quyết trong nhiều năm tới.

Tái chiếm Palmyra

Trong khi giành thắng lợi lớn ở miền tây Syria, quân chính phủ với sự yểm trợ của Nga vẫn chịu thiệt hại nghiêm trọng ở thành cổ Palmyra, cái nôi văn hóa và lịch sử ở vùng đất trung tâm Syria. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tập trung lực lượng lớn, chiếm lại Palmyra sau khi để khu vực rơi vào tay quân Syria hồi tháng 3/2016.

Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất - Ảnh 2.

Thành cổ Palmyra là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn của Syria. Ảnh: Wikipedia

Giải phóng Palmyra là một trong những chiến công quan trọng nhất của Nga trong năm 2016. Do đó, để IS chiếm lại Palmyra là sự hổ thẹn với liên quân Nga-Syria.

Tháng 3/2017, Damascus đã điều phối lại quân đội, phối hợp với lực lượng từ Aleppo và một lần nữa đẩy lùi được IS khỏi Palmyra.

Chiến dịch Deir Ezzor

Trọng tâm chính của chính phủ Syria và Nga là tỉnh Deir Ezzor, phía đông Syria. Thủ phủ này bị IS chiếm giữ trong nhiều năm. Nhóm khủng bố kiểm soát hầu hết vùng ngoại ô trong khi quân chính phủ chỉ điều hành được một phần trung tâm. Bị bao vây các phía, quân Syria phải phụ thuộc vào những đợt thả dù cứu trợ để tiếp tục chiến đấu.

Đầu tháng 9/2017, vòng vây Deir Ezzor chính thức bị phá bỏ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình tiêu diệt IS ở Syria. Hiện tại, chính quyền Damascus đã giành lại được khoảng 87% lãnh thổ, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga.

IS vẫn đang chiếm một phần của Raqqa, nhưng theo dự đoán, tới cuối năm, khu vực này sẽ rơi vào tầm kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.

Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất - Ảnh 3.

Quân đội Syria chiến đấu tại chiến trường Deir Ezzor. Ảnh: Independent

Trận chiến tại Deir Ezzor cũng chứng kiến tổn thất đau đớn nhất của quân đội Nga. Trung tướng Valery Asapov, lãnh đạo các cố vấn quân sự Nga tại Syria, đã hi sinh trong một cuộc công kích do IS tiến hành.

Mặc dù IS vẫn là mối đe dọa thường trực tại nhiều nơi ở Syria, gần đây tổ chức này đã chuyển mối quan tâm tới các khu vực khác trên thế giới, điển hình là Libya.

Thêm vào đó, kể cả khi IS bị quét sạch khỏi Syria, mâu thuẫn giữa các lực lượng, đặc biệt là các nhóm quân nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn với quân chính phủ, vẫn chưa thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Mâu thuẫn Nga – Mỹ

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã cam kết sẽ thay đổi chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama, bắt tay với Moskva để cùng tiêu diệt IS. Nhưng theo RT, trên thực tế, Mỹ ngày càng có nhiều giao tranh vũ trang hơn với quân đội Nga tại Syria.

Sau khi cáo buộc chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad tấn công hóa học vào dân thường ở Khan Shaykhun, một thị trấn nhỏ của tỉnh Idlib, ông Trump ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của quân chính phủ Syria.

Sau sự kiện này, ông Trump tiếp tục cho phép Lầu Năm Góc cử nhiều lính thủy đánh bộ Mỹ, đem theo nhiều loại vũ khí hạng nặng và đạn dược, tới can thiệp quân sự tại Syria.

Theo cáo buộc từ Nga, quân đội Mỹ không chỉ hỗ trợ vũ khí và đào tạo các phiến quân. Trong vài tháng qua, Mỹ đã tấn công trả đũa quân Syria vì xâm phạm các cứ điểm của quân đội Mỹ.

Thêm vào đó, mục tiêu của SDF do Mỹ hậu thuẫn không chỉ là tiêu diệt IS, mà còn trực tiếp đối đầu với Quân đội Syria (SAA). Các mỏ dầu ở Deir Ezzor hiện tại vẫn đang bị quân khủng bố IS chiếm giữ, nhưng bên nào chiếm được khu vực này trước sẽ có cơ hội quản lí, khai thác và thu lợi từ dầu mỏ cao hơn trong tương lai.

Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất - Ảnh 4.

Dầu mỏ tại Deir Ezzor là "mỏ vàng" với lực lượng các bên. Ảnh: Reuters

Gần đây, các báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày càng chỉ trích Mỹ gay gắt. Moskva cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công bất ngờ của IS tại Idlib, đặt tính mạng hàng chục lính Nga vào vòng nguy hiểm, bị bắt giữ hoặc giết hại. Theo tình báo Nga, nhiều thông tin mật được Nga chia sẻ với Mỹ đã bị "lộ mật" cho các lực lượng khác, trong đó có IS.

Trước sự hi sinh của Trung tướng Asapov, Nga buộc tội Mỹ là "đạo đức giả", nhưng Washington phủ nhận cáo buộc này. Ngược lại, Moskva cũng phủ nhận các báo cáo từ phía Mỹ cho biết quân đội Mỹ nhiều lần suýt mất mạng bởi các chiến cơ Nga.

Triển vọng hòa bình

Những bước ngoặt lớn đang nhen nhóm tại Syria, điển hình là mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga vào tháng 11/2015, căng thẳng giữa hai quốc gia đã tới đỉnh điểm, thậm chí tưởng như sẵn sàng nổ súng. Hiện tại, Moskva và Ankara đã trở lại quỹ đạo ngoại giao, cùng Iran nỗ lực dừng cuộc chiến tại Syria.

Tròn 2 năm Nga động binh ở Syria: Chiến công, thất bại hổ thẹn và tổn thất đớn đau nhất - Ảnh 5.

Đại diện của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại bàn đàm phán 3 bên. Ảnh: Reuters

Đây là kết quả của cuộc đàm phán ba bên trong những ngày cuối trên chiến trường Aleppo. Tới đây, Nga, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến tới thiết lập thêm các khu vực giảm căng thẳng, nhằm triệt tiêu bạo lực và cuối cùng ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria.

Nhiều quan sát viên quốc tế cho rằng những cam kết này có thể sẽ chia cắt Syria, nhưng luận điểm này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Moskva. Nga khẳng định rằng, xóa bỏ bạo lực là cách duy nhất để đem lại hòa bình và ổn định cho cả người Syria và khu vực Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại