Ngày 20/3, Mỹ thông báo nước này đã thử nghiệm thành công nguyên mẫu không đầu đạn của một tên lửa siêu vượt âm. Đây là loại vũ khí có khả năng "vượt rào" hệ thống phòng thủ của kẻ địch.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong cuộc thử nghiệm, tên lửa có tốc độ di chuyển siêu vượt âm (nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần, còn gọi là Mach 5 ).
Tháng 10/2017, Lục quân và Hải quân Mỹ lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm một tên lửa nguyên mẫu có khả năng nhắm trúng mục tiêu khi di chuyển ở tốc độ siêu vượt âm.
Lầu Năm Góc đánh giá đây là bước tiến mới trong nghiên cứu phát triển vũ khí siêu vượt âm , nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội.
Vũ khí siêu vượt âm có thể khiến cuộc chiến tranh tên lửa, và đặc biệt chiến tranh hạt nhân lên một cấp độ mới đáng sợ hơn. Chúng có thể di chuyển nhanh hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hiện tại.
Sự cơ động của loại tên lửa này khiến chúng gần như là "bất khả xâm phạm" đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Đây cũng là lý do khiến nhiều nước chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển loại vũ khí này.
Tháng 12/2019, Nga tuyên bố đã trang bị cho quân đội nước này thế hệ tên lửa siêu vượt âm đầu tiên Avangard, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phiên chế loại tên lửa này.
Giới chức Nga tuyên bố các thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm của nước này thậm chí còn đạt tốc độ Mach 7, tương đương 33.000 km/h.
Hiện Trung Quốc cũng đã đầu tư phát triển tên lửa của chính mình. Tháng 10/2019, Trung Quốc đã phô diễn một tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh mừng Quốc khánh nước này.