Sputnik dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper trong một cuộc phỏng vấn với báo giới mới đây cho biết, Washington cảm thấy không vui trước việc Ấn Độ liên tiếp ký các hợp đồng mua sắm vũ khí mới với Nga, bất chấp các cảnh báo của Mỹ về đạo luật CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt).
"Việc New Delhi mua các loại vũ khí từ Nga như hệ thống phòng không hay chiến đấu cơ ít nhiều sẽ tác động đến mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và các nước phương Tây", ông Clarke Cooper nhấn mạnh.
Bất chấp những lời đe dọa của Mỹ, trong tháng 8, Ấn Độ đã thông qua việc mua 21 chiến đấu cơ MiG-29 và 12 tiêm kích đa năng Su-30MKI từ Nga trị giá hơn 2,5 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng thúc giục Moscow đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400, giá trị của hợp đồng này ước tính hơn 5,4 tỷ USD được hai bên ký kết vào năm 2018.
Các bệ phóng di dộng thuộc hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik.
Việc Ấn Độ phớt lờ các cảnh báo của Mỹ cũng làm giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu Washington có sẵn sàng sử dụng đạo luật CAATSA để ngăn New Delhi mua thêm vũ khí từ Nga?
Theo Amit Cowshish, cựu Cố vấn tài chính Lầu Năm Góc nhận định, mọi biện pháp cấm vận đối với Ấn Độ đều sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Washington, nhất là khi New Delhi là bạn hàng lớn thứ hai của Mỹ trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Ông Cowshish cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ hiện tại đều xoay các hợp đồng mua bán vũ khí. Nếu New Delhi bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA thì phía chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là các công ty vũ khí của Mỹ.
Được biết, thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ đã tăng từ dưới 1 tỷ USD năm 2008 lên 18 tỷ USD vào năm 2019. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ sau khi ghi nhận mức tăng trưởng hơn 550% trong giai đoạn từ năm 2013- 2017 so với 5 năm trước đó.
Cũng theo Cowshish, khả năng Mỹ trừng phạt Ấn Độ vì mua vũ khí của Nga khó có thể xảy ra, bởi nếu Washington muốn làm họ đã thực hiện điều này từ năm 2018 khi hợp đồng S-400 được ký kết.
Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cũng cho rằng, đạo luật CAATSA là dành cho Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải cho Ấn Độ nhưng một ngày nào đó Washington vẫn có thể sử dụng đạo luật này để gây sức ép với New Delhi.
Hiện tại, Nga là nhà cung cấp quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ và điều này được thể hiện qua 86% số vũ khí quân đội nước này đang sử dụng có nguồn gốc từ Nga. Con số này có thể tăng 90% nếu như New Delhi tiếp tục mua thêm các loại vũ khí mới từ Moscow trong thời gian tới.
"Nếu Ấn Độ mua thứ gì đó từ Nga, điều đó có nghĩa là nó có ý nghĩa về mặt chiến lược. Tôi không nghĩ rằng New Delhi sẽ bị lung lay bởi các lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ", ông Cowshish nhấn mạnh.