Mỹ sẽ không kích Syria theo kịch bản Nam Tư, Nga phản ứng ra sao?

Đức Dũng |

Trong bức thư gửi giới lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên ngoại giao đã đề xuất thực hiện không kích vào lực lượng quân Chính phủ Syria theo kịch bản đã áp dụng với Nam Tư cũ.

Thông tin trên do tạp chí New York Times (NYT) đưa ra. Theo đó, trong tuần vừa qua đã có khoảng hơn 50 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào bức thư mang tính chất nội bộ kêu gọi lãnh đạo Bộ Ngoại giao bắt đầu các thủ tục để không kích quân Chính phủ Syria ở Damascus.

Theo các nhân viên này, đây là biện pháp duy nhất để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS và lập lại hòa bình ở Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã lên tiếng xác nhận có sự việc này nhưng không nói rõ chi tiết và chỉ khẳng định rằng lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ đang nghiên cứu nội dung này.

Không kích từ xa

Chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hơn nữa vai trò quân sự của Mỹ ở Syria trên nền tảng sử dụng một cách hợp lý các loại vũ khí tấn công từ xa và vũ khí tấn công từ trên không. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc thực hiện tiến trình ngoại giao hợp dưới sự chỉ đạo của Mỹ”, NYT trích dẫn nội dung bức thư nội bộ trên.

NYT cũng đưa ra lý giải về các loại “vũ khí tấn công tầm xa”. Đây là các loại tên lửa có cánh có thể phóng đi từ khoảng cách khá xa khiến các lực lượng quân Chính phủ Syria sẽ không thể đáp trả các đòn tấn công này.

Đây chính là cách thức đã được NATO, đứng đầu là Mỹ, thực hiện trong chiến dịch không kích Nam Tư cũ năm 1999. Cách thức tấn công này khiến Nam Tư cũ phải bắt đầu tiến trình đối thoại chính trị và kết thúc bằng độc lập cho Kosovo.

Một số chuyên gia nhận định rằng sự so sánh này là không hợp lý vì ở Syria có sự tham gia của Nga và Iran, đồng thời cho rằng Nga và Iran có thể sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ lực lượng quân sự Syria để vô hiệu hóa bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ”- Nhà báo Mark Fisher của NYT bình luận.

Không có nhiều giải pháp cụ thể

Được biết, trong nội dung bức thư trên có 10 điều khoản và mỗi một điều khoản đều viện ra các lý do giải thích cho sự cần thiết phải tấn công Chính phủ Syria để chấm dứt xung đột ở nước này, giải quyết các vấn đề nhân đạo, cũng như chống lại lực lượng IS.

Việc Mỹ tấn công vào quân Chính phủ Syria sẽ khiến lực lượng này không thể tấn công vào phe đối lập để phe đối lập Syria có thể tập trung nguồn lực trong cuộc chiến chống IS.

Nhà báo Mark Fisher cũng đưa ra những nhận định của mình về đề xuất thành lập vùng cấm bay tại Syria. 

Bức thư trên không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu vùng cấm bay này có được áp dụng đối với các máy bay của Nga hay không và Washington sẽ duy trì vùng cấm bay này như thế nào để có thể tránh được đụng độ với Nga”- Mark Fisher đặt câu hỏi.

Về tổng thể, Mark Fisher cho rằng bức thư trên vẫn chưa đưa ra được các vấn đề quan trọng mà việc giải quyết các vấn đề này rất cần thiết để kết thúc cuộc xung đột Syria.

Bức thư này không đề cập đến việc làm thế nào để loại bỏ các mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa các đồng minh về việc hình thành thỏa thuận hòa bình”.

Bức thư cũng không đưa ra cơ sở pháp luật cho cuộc chiến chống chính quyền Syria, điều mà chắc chắn Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ tại Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, bức thư cũng không đưa ra cách thức loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà không làm Chính phủ Syria sụp đổ. 

Ngược lại, bức thư này cho thấy mâu thuẫn và bực tức với chính sách hiện nay hơn là đưa ra các phương án thay thế cụ thể”- NYT viết.

Phản ứng của Nga

Bức thư trên của các quan chức ngoại giao Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Moscow. Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov tuyên bố rằng việc sử dụng sức mạnh để lật đổ Tổng thống Syria sẽ chỉ có thể làm nảy sinh bất ổn tại khu vực.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ không lặp lại các sai lầm đã xảy ra ở Iraq trước đó và ở các quốc gia mà phương Tây đã sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề ở đó.

Tất cả các hình thức hoạt động quốc tế được lập ra với sự tham gia của Mỹ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các văn kiện được thông qua trong các cuộc họp cho thấy không có bất cứ kịch bản sử dụng sức mạnh nào để giải quyết tình hình Syria sẽ được xem xét. 

Chỉ có các giải pháp chính trị mới được xem xét” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố sau khi xuất hiện các thông tin về bức thư trên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga cũng bày tỏ quan ngại về bức thư trên và cho rằng việc giải quyết các vấn đề quan trọng như trên cần phải “đưa ra biểu quyết ở tập thể”.

Nga đã nhiều lần lên tiếng khẳng định rằng tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải do chính người Syria quyết định và quan điểm này của Nga không bao giờ thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại