Mỹ sẽ “đi xa” đến đâu trong vấn đề Ukraine nếu Nga không chịu lùi bước?

Kiều Anh |

Chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều hứa hẹn nhưng nếu xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Mỹ sẽ đi xa đến đâu vì Kiev?

Mỹ sẽ hành động cứng rắn đến đâu?

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine gặp người đồng cấp Mỹ tại Lầu Năm Góc vào tháng trước, ông đã đưa ra một danh sách những mong muốn mà Kiev hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ để bảo vệ trước điều mà nước này cho là mối đe dọa từ Nga. Đứng đầu trong danh sách này là các hệ thống chống tên lửa công nghệ cao, các nhà chức trách Mỹ và Ukraine cho hay.

Một tháng sau, Nhà Trắng cho biết Mỹ vẫn đang cân nhắc về yêu cầu trên.

Các nhà chức trách Ukraine, trong khi ngần ngại chỉ trích trực tiếp Mỹ thì đã nhận định rằng, một chương trình hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn là điều cần thiết để đối phó với chiến lược gây sức ép và nhằm tự vệ trước nguy cơ của một cuộc tấn công từ Nga.

Ông Oleksiy Danilov - thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho rằng, mục tiêu Tổng thống Nga Vladimir Putin là tái thiết lập một khu vực ảnh hưởng ở Ukraine và những nơi khác từng thuộc Liên Xô. Ông Danilov nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, việc Mỹ rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan và những vấn đề về Covid-19 trong nước khiến nhà lãnh đạo Nga cho rằng đây là cơ hội để thử kế hoạch trên.

"Tổng thống Nga cho rằng đây có lẽ lúc Mỹ bộc lộ điểm yếu nên ông ấy quyết định sẽ thử thách Washington", quan chức Ukraine bình luận.

Chính quyền Tổng thống Biden đã khẳng định sẽ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tăng cường hỗ trợ quân sự Ukraine và tăng cường triển khai lực lượng tới các nước thành viên NATO ở sườn đông của liên minh này, sát với Ukraine và Nga nhất, nếu Nga định tiến hành một cuộc tấn công. Với các kế hoạch hiện tại, những biện pháp trên sẽ được kích hoạt ngay sau cuộc tấn công của Nga.

Karen Donfried, quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách châu Âu tuần này cho biết, Tổng thống Biden đã nói với Tổng thống Putin rằng, Mỹ sẽ cung cấp thêm các thiết bị quân sự cho Ukraine "vượt xa" những gói hỗ trợ hiện nay nếu Moscow tấn công Kiev.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước cho biết, Nhà Trắng sẽ đánh giá thường xuyên các nhu cầu quân sự của Ukraine và đặt chúng vào những gói hỗ trợ trong tương lai. Khả năng của quân đội Ukraine để sử dụng các thiết bị mới nhằm đối phó với Nga là một điểm quan trọng trong việc quyết định Washington sẽ cung cấp cho Kiev những gì.

Chiến lược gây sức ép của Nga

Tuần này, Tổng thống Putin cho biết, việc các lực lượng của Ukraine và NATO hoạt động gần biên giới Nga khiến nước này phải cân nhắc đến "các biện pháp quân sự - kỹ thuật đáp trả". Phương Tây lo ngại, trong khi Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn đối thoại thì những bình luận trên có thể ám chỉ cho việc hành động quân sự sẽ nhanh chóng được triển khai nếu các yêu cầu của Moscow không được NATO đáp ứng.

Các quan chức Ukraine và một số cựu quan chức Mỹ khẳng định những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm ngăn chặn Nga sẽ được tăng cường. Mỹ đã có một vài tuần cân nhắc về việc liệu có cung cấp 5 trực thăng Mi17 do Nga sản xuất cho Ukraine hay không. Đây là những trực thăng từng được sửa chữa cho quân đội Afghanistan theo chương trình của NATO trước khi Mỹ rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8.

Hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc liệu có chuyển giao những chiếc trực thăng trên cho quân đội Ukraine hay không. Người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối bình luận về kế hoạch chuyển giao song cho biết Mỹ đang làm việc với Ukraine để đánh giá về các yêu cầu của lực lượng này.

Quan chức an ninh quốc gia Ukraine Danilov cho biết Nga vẫn chưa tập hợp đủ lực lượng gần biên giới để tiến hành một cuộc tấn công lớn.

Việc Nga tăng cường lực lượng có lẽ chủ yếu là một chiến dịch gây sức ép đòi hỏi sự nhượng bộ về mặt ngoại giao, một số quan chức Mỹ và châu Âu đánh giá. Trong khi quân đội Ukraine đã trở nên dày dặn kinh nghiệm hơn sau nhiều năm chiến đấu thì Moscow vẫn có lợi thế quân sự hơn hẳn Kiev về các khả năng trên không, trên biển và trên mặt đất.

“Không kịp trở tay” nếu xung đột nổ ra?

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Washington vào tháng trước, các hệ thống chống tên lửa như Patriot nằm trong danh sách các thiết bị mà nước này yêu cầu cùng với những hỗ trợ về huấn luyện và đào tạo.

Từ năm 2014, Mỹ đã cung cấp 2,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có các tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống radar giúp xác định nguồn của hỏa lực. Các tàu tuần tra, thiết bị y tế cùng các thiết bị liên lạc và đào tạo cũng được cung cấp trong các gói hỗ trợ này.

Theo các cựu quan chức quân sự Mỹ, khả năng phòng không của Ukraine vẫn là một điểm yếu, đặc biệt nếu Nga tấn công tên lửa vào các đơn vị phòng không của Ukraine và sử dụng không lực để phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của nước này.

Nga có hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong các đơn vị trên biển và trên đất liền gần biên giới với Ukraine, có thể bao quát gần như mọi mục tiêu trong nước này, Mykhailo Samus, giám đốc Trung tâm Chính trị mới tại Kiev nhận định.

Không lực của Nga sẽ theo sau các cuộc tấn công tên lửa và các cuộc tấn công mạng sẽ đánh sập hệ thống thông tin liên lạc.

Chiến dịch tấn công tên lửa và tấn công trên không của Nga có thể kéo dài chỉ vài tiếng trước khi quân đội Nga bắt đầu chiếm giữ.

Các cựu quan chức quân sự Mỹ đánh giá, việc cho rằng Mỹ có thể dễ dàng mở rộng hỗ trợ quân sự như những gì chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch là một điều phi thực tế sau khi cuộc tấn công của Nga diễn ra.

"Nếu Nga thực sự tấn công, lực lượng không quân Nga sẽ đóng cửa không phận. Trong trường hợp giao tranh nổ ra, việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine tới những nơi họ cần cũng sẽ trở nên khó khăn hơn", một cựu quan chức Mỹ bình luận./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại