Tạp chí Diplomat đưa tin, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã một lần nữa nhấn mạnh mối quan tâm của Iran đối với mẫu máy bay chiến đấu mới của Nga.
Theo Tướng Hossein Dehghan - Bộ trưởng Quốc phòng Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này đang tổ chức các cuộc hội đàm với Nga để thảo luận khả năng mua máy bay chiến đấu đa nhiệm Sukhoi Su-30SM (số lượng không xác định).
"Chúng tôi không cần các hệ thống phòng không tầm xa khác (ngoài S-300 và Bavar-373), chúng tôi không có kế hoạch mua thêm. Vì vậy, chương trình nghị sự của Bộ Quốc phòng Iran đã sắp xếp các cuộc hội đàm với Nga về khả năng cung cấp máy bay Sukhoi. Chúng tôi cần củng cố lực lượng Không quân" - ông Dehghan phát biểu trên Truyền hình Iran hôm 21/8.
Nga hiện đang trong tiến trình chuyển giao các tổ hợp tên lửa đất-đối-không (SAM) tầm xa S-300PMU2 cho Iran. Bên cạnh đó, trong tương lai, Tehran còn có kế hoạch triển khai hệ thống phòng không tầm xa di động Bavar-373 mà nước này tự phát triển.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đứng trước hệ thống phòng không Bavar-373 tại Tehran hôm 21/8.
Như tạp chí Diplomat phản ánh hồi tháng Hai, Iran dự kiến sẽ ký hợp đồng với Nga để hợp tác sản xuất một số lượng nhất định các máy bay chiến đấu đa nhiệm Sukhoi Su-30 vào cuối năm nay. Hiện con số cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.
Theo một số nguồn tin. 2 nước lần đầu tiên thảo luận về thương vụ tiềm năng nay vào mùa hè năm 2015, tại triển lãm hàng không MAKS (tổ chức gần Moscow).
Su-30SM là máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4++, được thiết kế dựa trên phiên bản xuất khẩu Su-30MKI do Nga và tập đoàn HAL (Ấn Độ) hợp tác phát triển cho Không quân Ấn Độ.
Nói cách khác, Su-30SM là phiên bản nội địa hóa của MKI, nó không trang bị các hệ thống điện tử hàng không của Israel và Pháp như phiên bản dành cho Ấn Độ. Song, Su-30SM vẫn giữ nguyên khung máy bay làm bằng titan và hợp kim nhôm có độ bền cao, cũng như động cơ vector đẩy AL-37FP và một số thành phần khác của Su-30MKI.
Máy bay chiến đấu Su-30SM
Ngoài chiến đấu cơ, Nga còn đề nghị cấp giấy phép sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 tại Iran.
Theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran ký kết vào tháng 7/2015, các lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran sẽ được nới lỏng trong vòng 5 năm, kể từ ngày JCPOA chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, các thỏa thuận cung cấp vũ khí thông thường sẽ được quyết định dựa trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Trong tháng Tư năm nay, một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố Washington sẽ ngăn cản bất cứ thỏa thuận cung cấp máy bay nào của Nga cho Iran.
"Chúng tôi sẽ không để thỏa thuận máy bay được thông qua", ông Thomas Shannon - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị nói - "Hiện chúng tôi đã có được cam kết từ phía Nga về việc cấm chuyển giao công nghệ cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran".