Đã có Bavar-373, tên lửa S-300 tới Iran cũng chỉ để... làm cảnh?

Nhật Minh |

Nhiều suy đoán rằng hệ thống Bavar-373 sẽ mạnh ngang ngửa, thậm chí có thể thay thế cho tổ hợp tên lửa S-300 mà Nga phải chuyển giao cho Iran.

Bavar-373 mạnh ngang S-300?

Chủ Nhật tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tiết lộ hệ thống tên lửa đất-đối-không (SAM) Bavar-373 do nước này tự chế tạo.

Được thử nghiệm thành công vào tháng 8/2014, hệ thống Bavar-373 có nhiều đặc điểm tương tự như tổ hợp S-300 của Nga và có khả năng tấn công các mục tiêu ở tầm cao.

Đã có Bavar-373, tên lửa S-300 tới Iran cũng chỉ để... làm cảnh? - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đứng trước hệ thống phòng không Bavar-373 tại Tehran hôm 21/8.

Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố, Tehran dự kiến bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không Bavar-373 ngay khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm thực địa (kéo dài tới tháng 3/2017).

Tất cả những thông tin trên lập tức làm dấy lên nhiều suy đoán rằng, hệ thống Bavar-373 sẽ mạnh ngang ngửa, thậm chí có thể thay thế cho tổ hợp tên lửa S-300 mà Nga phải chuyển giao cho Iran theo hợp đồng giữa 2 phía.

Bình luận vế vấn đề này, ông Mahmud Shoori, Giám đốc Nhóm nghiên cứu Á-Âu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSR) của Iran đã có cuộc trao đổi cụ thể với hãng tin Sputnik.

Đã có Bavar-373, tên lửa S-300 tới Iran cũng chỉ để... làm cảnh? - Ảnh 2.

Bavar-373 có nhiều đặc điểm tương tự như S-300 của Nga.

Vì sao Iran tự lực nhưng vẫn cần S-300?

Theo ông Shoori, về mặt công nghệ, tương đối khó phân biệt 2 hệ thống (S-300 và Bavar-373) có điểm chung nào hoặc khác nhau ra sao, liệu chúng có thể được sử dụng đồng thời cho các mục đích tương tự hay không?

Tuy nhiên ở đây, điều quan trọng hơn cả là chương trình phát triển hệ thống phòng không nội địa đã làm nổi bật chính sách của ngành công nghiệp quốc phòng Iran: Tự thỏa mãn tất cả các nhu cầu quân sự, tới hết mức có thể.

Chủ trương của Tehran là đảm bảo các mục tiêu chiến lược một cách độc lập, trong đó có mục tiêu phòng thủ biên giới. Xuyên suốt quá trình phát triển và tồn tại, Iran chưa từng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nước khác, họ dựa vào chính năng lực của mình.

Song, ông Shoori lưu ý rằng, tổ hợp quốc phòng Iran vẫn cần tới ý tưởng và những công nghệ tiên tiến nhất của nước ngoài, cũng như các thiết bị quân sự đã sẵn sàng hoạt động để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thể phát triển dần dần, trong khi vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu của quân đội khi cần.

Đó là lý do tại sao Tehran ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-300 của Nga.

"Nhìn chung, tôi không thấy có bất cứ vấn đề gì khi Iran vừa tiếp tục mua hệ thống S-300 của Nga theo hợp đồng hiện nay, vừa đồng thời phát triển và phô bày thành tựu của họ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng" - ông Shoori nói với Sputnik.

Đã có Bavar-373, tên lửa S-300 tới Iran cũng chỉ để... làm cảnh? - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến cho rằng Bavar-737 là phương án thay thế cho các hệ thống phòng không S-300 của Nga.

Ưu tiên hàng đầu của tổ hợp quốc phòng Iran là tối đa hóa khả năng sản xuất độc lập các hệ thống vũ khí chiến lược nội địa.

Vị chuyên gia nhận định, mặc dù khác nhau đáng kể về chất lượng và chức năng nhưng 2 hệ thống của Nga và Iran có thể bổ trợ cho nhau. Cần phải chờ xem chúng sẽ được sử dụng như thế nào trong chiến đấu - riêng rẽ hay kết hợp?

Trước đó, vào năm 2007, Moscow và Tehran đã ký thỏa thuận cung cấp 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU1. Nhưng tới năm 2010, Nga đã đình chỉ chuyển giao các hệ thống này do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có lệnh cấm cung cấp các vũ khí công nghệ cao.

Do thỏa thuận đổ vỡ, Iran yêu cầu Nga phải bồi thường 4 tỷ USD. Một thời gian sau, đến tháng 4/2015, khi các phía đạt được thỏa thuận tạm thời để mở đường cho thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran ký kết vào tháng 7 cùng năm, Tổng thống Vladimir Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm của Nga đối với Tehran.

Đã có Bavar-373, tên lửa S-300 tới Iran cũng chỉ để... làm cảnh? - Ảnh 4.

Một số thành phần của hệ thống S-300 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Iran.

Tiểu đoàn S-300PMU-1/SA-20 Gargoyle đầu tiên đã được chuyển giao cho Tehran. Đây là hệ thống SAM tầm xa, có thể tấn công máy bay, tên lửa hành trình và các loại tên lửa đạn đạo thông thường.

Một số thành phần của hệ thống này đã xuất hiện trong lễ duyệt binh của Iran vào tháng 4 vừa qua.

Được biết, các tổ hợp S-300 mà Nga đang chuyển giao cho Iran là phiên bản nâng cấp của hệ thống mà Tehran đã đặt hàng lúc đầu.

Trong tháng 7/2015, trợ lý về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự của Tổng thống Nga - Vladimir Kozhin thông báo Moscow sẽ nâng cấp các hệ thống tên lửa S-300 để đáp ứng nhu cầu cụ thể của Iran, nhưng không tiết lộ bất kỳ thông số kỹ thuật nào của chúng.

Tới gần đây, ông Kozhin cho biết, Nga sẽ hoàn tất chuyển giao các hệ thống phòng không S-300 cho Iran vào cuối năm nay.

Đề cập tới mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự của Iran trong thời gian tới, chuyên gia Mahmud Shoori đã đưa ra dự đoán tích cực.

"Như tôi được biết, Bộ Quốc phòng của chúng tôi (Iran) hiện chưa có nhu cầu ký thỏa thuận mua các hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Các hệ thống chúng tôi đã có trong biên chế và đang được Nga chuyển giao đã đủ để thỏa mãn nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng Iran" - ông Shoori cho hay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Iran không hề chững lại và vẫn đang phát triển.

Trong tương lai gần, do có thể phải đối mặt với các thách thức địa chính trị mới nên Iran sẽ phát sinh thêm nhiều nhu cầu quốc phòng. Song, việc nước này lựa chọn công nghệ quân sự nào của Nga còn phụ thuộc vào các điều kiện chính trị giữa 2 phía ở thời điểm đó.

"Cá nhân tôi cho rằng mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa 2 nước chắc chắn sẽ tiếp tục", ông Shoori nói, "tuy nhiên, nội dung các thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố, trong đó có mức độ tiến triển trong quan hệ song phương giữa Nga và Iran".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại