Vào tháng 8 vừa qua, các chuyên gia hạt nhân của Trung Quốc và Mỹ đã cùng hợp tác để thay thế thành công một lò phản ứng hạt nhân cũ của Trung Quốc đặt tại Ghana.
Lò phản ứng này, với tên gọi GHARR-1, chủ yếu phục vụ các mục đích khoa học, được coi là một lò phản ứng thu nhỏ, chỉ có thể tạo ra khoản 30kW năng lượng. Trang World Nuclear News miêu tả GHARR-1 là một lò phản ứng được thiết kế để phục vụ các trường đại học, các bệnh viện và các viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, vấn đề là lò phản ứng nhỏ này sử dụng Uranium được làm giàu tới 90,2% - chính là nguyên liệu để có thể sản xuất bom hạt nhân. Trong thực tế, tất nhiên để tạo ra một quả bom hạt nhân thì cần rất nhiều nguyên liệu khác (ngoài Uranium được làm giàu trên 85%), nhưng việc tồn tại một nguyên tố có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân tại một vùng khét tiếng là khu vực hoạt động của các lực lượng khủng bố thì lại không phải là một điều hay.
Hiện tại, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bị đánh bật khỏi Syria và Iraq, các lực lượng này đang chạy khỏi Trung Đông và đã bắt đầu hướng về châu Phi. Mối đe dọa các nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân tại châu lục này rơi vào tay khủng bố đã trở nên không thể xem thường.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đã đề xuất việc thay thế các lò phản ứng hạt nhân như GHARR-1 tại châu Phi bằng các lò khác chạy với Uranium được làm giàu tới mức dưới 20%, gọi tắt là LEU. Hỗ trợ việc này cho phía Trung Quốc là những nhà khoa học quốc tế, với Mỹ đóng vai trò chủ đạo.
Ý tưởng thay thế GHAR-1 bằng LEU đã có từ năm 2006 nhưng đã bị trì hoãn gần 10 năm, cho tới năm 2014.
Theo Sputnik, những khúc mắc và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nguyên nhân của sự trì hoãn này.
Trung Quốc đến nay vẫn yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ phía Mỹ sau việc Hạ viện Mỹ năm 1999 ra báo cáo cáo buộc Trung Quốc sử dụng các hoạt động hợp tác hạt nhân ít ỏi với Mỹ để ăn trộm công nghệ hạt nhân của nước này.
Các chuyên gia cho biết báo cáo năm 1999 đó của Hạ Viện Mỹ là sai sự thật nhưng chính quyền Mỹ vẫn chưa lên tiếng thừa nhận sai lầm này.
Năm 2016, lò phản ứng mới đã được thay thế cho GHARR-1. Nhưng đâu đó trên thế giới vẫn còn 4 lò phản ứng hạt nhân khác do Trung Quốc xây dựng cần phải được nâng cấp, theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Các lò phản ứng đó hiện ở Iran, Pakistan, Nigeria và Syria. Tất cả các quốc gia này hiện đều là các "điểm nóng" và có sự hiện diện của các lực lượng cực đoan, khủng bố, với nguy cơ xung đột lớn. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc, do đó, còn rất nhiều việc phải làm, và phải làm nhanh vì các lò phản ứng hạt nhân nói trên đều nằm trong khu vực có chiến sự.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn nhận được lời xin lỗi cho bản báo cáo sai sự thật của Hạ viện Mỹ năm 1999, và đây là điều đang làm mọi việc ách tắc.
Chuyên gia Tong Zhao – nhà phân tích chính sách hạt nhân của Viện Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua có trụ sở tại Bắc Kinh - nhận định: "Trung Quốc đã tuyên bố rằng nếu Mỹ không thừa nhận sự hợp tác trong quá khứ của hai bên là hợp pháp và cùng có lợi thì sẽ không có cơ sở để tiếp tục tiến lên phía trước".
Và như vậy, quả bóng đang nằm trong tay tòa án Mỹ trong khi các lò phản ứng hạt nhân với nguyên liệu có thể dùng chế tạo bom hạt nhân vẫn nằm trong các khu vực có lực lượng khủng bố được vũ trang một cách tối tân.