Mỹ - NATO không kích Nam Tư: Tại sao Không quân Nam Tư bất lực, MiG-29 bị đánh cho tơi tả?

Tuấn Sơn |

Khi Mỹ - NATO không kích Nam Tư, trong số 15 máy bay MiG-29 của Nam Tư, thì 4 chiếc bị bắn rơi trong không chiến và 4 chiếc khác bị phá hủy trên mặt đất.

Cuộc không kích quy mô lớn của Mỹ và NATO nhằm vào Liên bang Nam Tư đã xảy ra gần 20 năm.

Nhiều thông tin về cuộc chiến sau đó đã được giải mật và công bố giúp giải thích nguyên nhân tại sao trong gần 3 tháng chiến dịch không kích diễn ra, Không quân Nam Tư hầu như "bỏ mặc" không phận cho máy bay liên quân tác chiến.

Đồng thời điều này cũng lý giải cho việc Nam Tư đã phần nào thành công khi giữ được phần lớn tiềm lực quân sự chuẩn bị cho khả năng Mỹ và NATO can thiệp quân sự trên bộ. Đây có thể coi là cuộc chiến một chiều trên bầu trời Nam Tư.

Mỹ - NATO không kích Nam Tư: Tại sao Không quân Nam Tư bất lực, MiG-29 bị đánh cho tơi tả? - Ảnh 1.

Tòa nhà Tổng hành dinh của Quân đội Nam Tư bị bom và tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ và liên quân tấn công năm 1999, đến nay vẫn được giữ lại như một di tích lịch sử, ảnh chụp năm 2015.

Không quân Nam Tư hoàn toàn bị áp đảo

Rõ ràng tương quan lực lượng kể cả về chất và lượng, không quân Nam Tư không thể nào so sánh với lực lượng đông đảo của Mỹ và NATO tham gia cuộc chiến.

Trong chiến dịch không kích Nam Tư, Mỹ và NATO đã huy động tới gần 1.000 máy bay quân sự các loại, trong đó có máy bay tàng hình tối tân như F-117A Night Hawk, máy bay ném bom B-2 Spirit; sử dụng tới 870 tên lửa hành trình Tomahawk kết hợp cùng các khí tài hiện đại giúp tao ưu thế hoàn toàn trước Nam Tư.

Trong khi đó, không quân Nam Tư sau nhiều năm nội chiến chỉ khoảng 16 máy bay tiêm kích MiG-29A được coi là hiện đại. Các máy bay còn lại là MiG-21Bis, J-22 Orlo và máy bay cường kích hạng nhẹ G-4 Super Galeb hầu như không có khả năng đối phó với lực lượng không quân hùng hậu được hỗ trợ mọi mặt của Mỹ và NATO.

Thực tế cuộc chiến đã trả lời, Không quân Nam Tư phải dành phần lớn thời gian để né tránh và ẩn nấp. Trong cuộc chiến, rất hiếm trường hợp máy bay chiến đấu của không quân Nam Tư có đủ điều kiện cất cánh vì cơ bản hệ thống dẫn đường mặt đất, cũng như các lực lượng hỗ trợ đều phải cơ động tránh né và không thể tổ chức thành các mạng lưới chiến đấu hiệu quả.

Mỹ - NATO không kích Nam Tư: Tại sao Không quân Nam Tư bất lực, MiG-29 bị đánh cho tơi tả? - Ảnh 2.

Xác 2 chiếc tiêm kích MiG-29 của Nam Tư bị liên quân bắn hạ.

Cuộc chiến từ một phía

Có một điều rõ ràng là trong thập kỷ 1990, Mỹ và NATO đã thực hiện và hoàn thiện chiến thuật tấn công phủ đầu với việc sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình và vũ khí tấn công chính xác cao. Đi cùng với chúng là các đơn vị máy bay mang vũ khí áp chế radar với mục đích tấn công phẫu thuật vào các vị trí trọng yếu để bẻ gẫy và làm tê liệt khả năng đánh trả của đối phương.

Điều này có thể thấy rõ ràng trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991 và tiếp đó là chiến dịch Con cáo sa mạc nhằm vào Iraq năm 1998. Chiến thuật này được tiếp tục áp dụng ở Nam Tư ở mức độ cao hơn nhiều lần.

Việc khả năng phòng thủ trên mặt đất bị áp chế, không phận bị mở toang cho các máy bay tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) của Mỹ và liên quân giám sát chặt các dấu hiệu thù địch trên bầu trời đã khiến không quân Nam Tư không còn đất diễn trên chính sân nhà.

Số lần xuất kích của không quân Nam Tư rất ít ỏi do giới chức quân sự Nam Tư muốn bảo toàn lực lượng với mục đích tiến hành một cuộc chiến dài hơi.

Mặt khác, do thiếu hệ thống dẫn đường mặt đất, cũng như khả năng cảnh giới và phối hợp với lực lượng phòng không mặt đất vốn đã phải sơ tán để tránh bị tiêu diệt đã khiến các máy bay chiến đấu Nam Tư không đạt được hiệu suất chiến đấu cần thiết.

Phần lớn các đợt xuất kích của không quân Nam Tư được tiến hành theo các nhóm nhỏ, cất cánh bí mật và tìm vị trí phục kích đối phương trên không. Máy bay chiến đấu của Nam Tư thường không ở lâu trên không vì toàn bộ không phận đã bị máy bay tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) giám sát.

Mỹ - NATO không kích Nam Tư: Tại sao Không quân Nam Tư bất lực, MiG-29 bị đánh cho tơi tả? - Ảnh 3.

Tiêm kích F-15 Mỹ bá chủ bầu trời Nam Tư.

Chúng nhanh chóng trở thành mồi cho các đơn vị tiêm kích liên quân mang tên lửa không đối không phóng ngoài tầm nhìn tấn công ở phạm vi tới 80km. Đây là khoảng cách máy bay chiến đấu Nam Tư không thể phản kháng.

Trong tác chiến, các phi công Nam Tư thường bay thấp, lợi dụng các vật cản tự nhiên để tạo nhiễu địa vật và ẩn nấp. Họ chỉ tăng độ cao khi phát hiện đối phương và cảm thấy thời cơ đã chín muồi. Ngay sau khi leo cao công kích, phi công Nam Tư thường nhanh chóng hạ độ cao để thoát ly và tìm đường về căn cứ.

Từ các tài liệu được công bố, hiệu quả tác chiến không cao của không quân Nam Tư phần nhiều là do thiếu máy bay chiến đấu hiện đại có khả năng độc lập tác chiến cao.

Không quân Nam Tư chỉ có 15 chiếc Mig-29A có khả năng chiến đấu với tên lửa tầm ngắn, nhưng tính năng của chúng đã bị Mỹ và NATO nắm rõ nhờ khai thác các máy bay cùng loại từ các quốc gia Đông Âu cũ, trong đó có CHDC Đức.

Rõ ràng, việc thiếu khả năng tấn tầm xa bằng tên lửa dẫn bắn bằng radar, dẫn đường mặt đất theo truyền thống tác chiến của Liên Xô, đã khiến không quân Nam Tư gần như "mù" trên không. Trong số 15 máy bay MiG-29 của Nam Tư, thì 8 chiếc đã bị phá hủy (4 chiếc mất trong không chiến và 4 chiếc bị phá hủy trên mặt đất).

Các máy bay MiG-21Bis về cơ bản đã không còn khả năng đối đầu với máy bay F-15, F-18 và F-16 mang tên lửa tầm xa và hỗ trợ tuyệt đối trên không. Dẫn chứng rõ ràng là không ghi nhận thành tích chiến đấu của nào của máy bay MiG-21Bis trong khi có tới 4 máy bay loại này bị liên quân bắn hạ.

Một yếu tố nữa là ngoài số lượng máy bay chiến đấu hiện đại ít ỏi, Nam Tư cũng không có nguồn bổ sung cho các máy bay thiệt hại trong chiến đấu.

Mỹ - NATO không kích Nam Tư: Tại sao Không quân Nam Tư bất lực, MiG-29 bị đánh cho tơi tả? - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-29 mô hình của Nam Tư đã đánh lừa được liên quân, thu hút một phần hỏa lực của đối phương.

Tuy nhiên, không quân Nam Tư cũng đạt được một số thành tích nhất định, trong đó có việc phi công Miroslav Druginic với nhiều lần xuất kích đã bắn hạ 6 tên lửa hành trình của đối phương.

Có thể thấy rõ, cuộc không kích của Mỹ và NATO nhằm vào Nam Tư đã thể hiện sự tiến hóa về mặt chiến thuật, trang bị kỹ thuật hiện đại của liên quân để giành ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ yếu thế. Nam Tư có thể coi là điển hình rõ ràng.

Tuy nhiên, ngoài không quân, Quân đội Nam Tư cũng đã có nhiều biện pháp hiệu quả để đối phó với liên quân trong đó đáng kể nhất là chiến thuật "phòng tránh, đánh trả" và nghi binh của lực lượng phòng không-không quân Nam Tư. Chiến thuật này đã được hoàn thiện và áp dụng trong nhiều cuộc chiến sau đó và vẫn còn giá trị tới ngày nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại