Ngày 9-7, Đô đốc Craig Faller, Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ (SOUTCOM), đã lên tiếng báo động về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) ở Nam Mỹ - được xem là sân sau của Mỹ - đã đạt đến “mức độ chưa từng có”. Phát biểu tại phiên điều trần của Tiểu ban Những mối đe dọa mới nổi thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông cảnh báo rằng tình hình đó đòi hỏi Mỹ phải tìm cách đối phó, tờ Defense News cho hay.
Sự bất an của Mỹ
Tướng Faller nhấn mạnh TQ đang gia tăng nỗ lực để “lọt vào sân sau của Mỹ, tìm cách thay thế Mỹ và làm suy giảm cam kết của các đối tác của Mỹ”. Về cơ bản, ông Faller tuyên bố TQ đang tiếp cận khu vực này với lượng tiền mặt lớn hơn Lầu Năm Góc và mục tiêu của TQ là trở thành nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất khu vực.
“TQ có kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với khu vực này lên đến 500 tỉ USD vào năm 2025. Với 19 quốc gia trong khu vực tham gia Sáng kiến Một vành đai - Một con đường và hứa hẹn khoản vay nợ ít nhất 150 tỉ USD, Bắc Kinh đang biến sức mạnh kinh tế này thành sự ảnh hưởng về chính trị” - ông Faller phân tích.
Vị tư lệnh SOUTHCOM cho biết Mỹ chi cho khu vực này khoảng 1,5 triệu USD với mục đích hỗ trợ an ninh. Trong khi đó, TQ đã đổ vào đây gần 23 triệu USD tiền mặt. “Đó là thử thách mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta sẽ không cạnh tranh về số lượng. Chúng ta phải cạnh tranh về chất lượng và tốc độ phù hợp” - Đô đốc Faller nhấn mạnh.
Phó Giám đốc tổ chức nghiên cứu về châu Mỹ Americas Society Eric Farnsworth nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh đang phát triển nhanh chóng cả về tiềm lực kinh tế lẫn vị thế chính trị, việc nước này tìm cách lan tỏa ảnh hưởng đến các khu vực khác là điều tất yếu. “TQ bắt đầu tìm cách định hình ý kiến của các quốc gia khác trên thế giới. Chính phủ TQ đang cố gắng có được sự ủng hộ của những nước này với kế hoạch của Bắc Kinh hoặc ít nhất là sẽ không phản đối các tham vọng của Bắc Kinh” - ông Farnsworth nói.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô Buenos Aires 2018. Ảnh: AP
“Đại gia” châu Á
Theo số liệu từ tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB), cuối thế kỷ 20 Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia Mỹ Latinh. Thị trường Mỹ chiếm gần 45% giá trị xuất khẩu và 49% giá trị nhập khẩu của khu vực này. Các hoạt động thương mại với TQ của cả Mỹ Latinh và Mỹ lúc này chỉ dừng ở mức rất thấp và không đáng kể.
Tuy nhiên, bẵng đi 20 năm, giờ đây vị trí đối tác lớn nhất thị trường Mỹ Latinh của Washington phải đối mặt với nguy cơ bị Bắc Kinh soán ngôi. Tính đến năm 2017, thống kê của WB cho thấy thương mại TQ ở đây đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm gần 10% tổng xuất khẩu và 18% tổng nhập khẩu của khu vực Mỹ Latinh . Cường quốc châu Á hiện vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ hai ở đây.
“TQ đến đây và sẽ bám trụ lại Tây Bán cầu (thuật ngữ để chỉ châu Mỹ và các đảo xung quanh). Đây có lẽ là biến động địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21” - ông Farnsworth nhận định. Theo ông, lợi ích kinh tế là một trong những động lực lớn nhất khiến TQ đầu tư vào Mỹ Latinh. Nước này hy vọng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong nước và góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Nhà phân tích chiến lược của tập đoàn Marsh & McLennan, bà Meghna Basu nhận định phần lớn các đầu tư của TQ vào khu vực đều thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI), kế hoạch đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Bà cho biết ban đầu Mỹ Latinh không được đưa vào danh sách các nước nhận đầu tư của BRI. Tuy nhiên, đến năm 2018, Bắc Kinh bất ngờ đổi ý và ngỏ lời mời các nước khu vực này tham gia. Panama trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên tham gia vào tháng 11-2017, kéo theo nhiều nước gia nhập sau đó. Tháng 4-2019, nền kinh tế lớn thứ năm trong khu vực, Peru, đã trở thành thành viên Mỹ Latinh mới nhất của BRI.
Tính đến tháng 5-2019, 19 vùng lãnh thổ Mỹ Latinh đã mở quan hệ hợp tác với TQ trong khuôn khổ BRI. Trong số sáu thị trường hàng đầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng ( Brazil , Mexico , Colombia, Argentina, Peru và Chile), Peru và Chile đã chính thức gia nhập với BRI. Các thị trường còn lại mặc dù vẫn nhận các khoản đầu tư khổng lồ từ TQ nhưng chưa ký thỏa thuận chính thức.
Bên cạnh đó, các khoản vay của TQ dành cho Mỹ Latinh cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, tăng gần 20 lần trong giai đoạn 2007-2017, theo WB. Khoảng 88% khoản vay này được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng. Số nợ này khiến TQ trở thành chủ nợ lớn nhất khu vực, vượt xa các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển liên Mỹ hay WB.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi năm ngoái từng cảnh báo các quốc gia châu Mỹ Latinh về sự phụ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ kinh tế với TQ và cho rằng khu vực này không cần các cường quốc mới.
“TQ ngày nay có một chỗ đứng vững chắc ở châu Mỹ Latinh. Bắc Kinh đang sử dụng các đạo luật kinh tế để lôi kéo khu vực này đi vào quỹ đạo của mình. Câu hỏi được đặt ra - cái giá của điều đó là gì” - ông Tillerson phát biểu.
Ông Tillerson cho rằng châu Mỹ Latinh không cần thêm những thế lực đế quốc mới mà chỉ tìm kiếm lợi ích cho người dân của họ. Trong thời gian qua, trước sự sụt giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khi nhiều quốc gia khu vực Mỹ Latinh lại gặp khó khăn về nguồn tiền đầu tư nên Bắc Kinh đã nhanh chóng nhảy vào khu vực mà Washington luôn tự tin là “sân sau” của mình. Kịch bản tranh giành quyền lực của hai cường quốc ở khu vực này đang dần hiện ra và dĩ nhiên không thiếu kịch tính.
Trong chuyến thăm Chile tháng 4-2019 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông đã chỉ trích các khoản đầu tư của TQ vào nước này là “sự gặm nhấm, nguồn nuôi dưỡng tham nhũng và làm xói mòn nền quản trị tốt”. TQ sau đó cáo buộc ông vu khống và gọi ông là “đạo đức giả”.