Mỹ lần đầu tiết lộ chi tiết kế hoạch dùng F-35 chống Trung Quốc

Hải Vy |

Defense One đưa tin, các quan chức Không quân Mỹ đã lần đầu tiên công khai nói về kế hoạch sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 JSF nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

Cách nhìn nhận chưa từng thấy

"Nếu triển khai máy bay chiến đấu thế hệ 4 (F-15 hoặc F-16) tới đó, chúng sẽ không thể sống sót" - Thiếu tướng Jeff Harrigian, người xây dựng kế hoạch trang bị F-35 cho toàn bộ lực lượng không quân cho hay.

Tong bản báo cáo mới do Viện nghiên cứu Không gian Vũ trụ công bố hôm thứ Năm tuần trước, ông Harrigian, cùng với Đại tá Max Marosko - phó giám đốc các hoạt động không quân và không gian mạng tại Bộ chỉ huy Các lực lượng không quân Thái Bình Dương ở Hawaii, đã tiết lộ chi tiết chiến lược sử dụng F-35 nếu xảy ra chiến tranh.

"Theo chúng tôi, điều này phụ thuộc vào khả năng tiêu diệt (mục tiêu) và sống sót" - ông Harrigian nói.

Mỹ lần đầu tiết lộ chi tiết kế hoạch dùng F-35 chống Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35.

Các quan chức Không quân Mỹ thường nói rằng công nghệ tiên tiến trên F-35 và các máy bay khác sẽ mang lại lợi thế trên chiến trường, tuy nhiên, bản báo cáo này đã trình bày cách nhìn nhận chưa từng thấy của 1 quan chức cấp cao về chiến lược sử dụng F-35 trong chiến tranh.

Cuộc chiến giả định năm 2026

Trong cuộc chiến tranh giả định vào năm 2026, đối phương tìm cách gây nhiễu các tín hiệu radar và radio của Mỹ - yếu tố quan trọng cho phép các chiến đấu cơ tàng hình như F-22 & F-35, cùng máy bay ném bom tàng hình B-2 & B-21 di chuyển an toàn và tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống tên lửa đất-đối-không di động.

Lầu Năm Góc sẽ bố trí dàn trải máy bay chiến đấu xung quanh Thái Bình Dương, với từng nhóm nhỏ tới các sân bay quân sự và dân sự, có nơi cách xa chiến trường 1.000 dặm để ngăn tên lửa đạn đạo và hành trình của đối phương tấn công hủy diệt căn cứ.

Hiện nay, Lầu Năm Góc có xu hướng tập trung phần lớn máy bay của họ tại các siêu căn cứ trong khu vực.

"Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, F-35 thỉnh thoảng trở về căn cứ của chúng và phát hiện ra rằng một số đã bị hư hại nặng do các đợt tấn công bằng tên lửa của đối phương", Harrigian và Marosko viết trong kịch bản chiến tranh của họ.

"Những chiếc F-35 đó phải chuyển sang sân bay dân sự. Vào thời điểm này, F-22 và F-35 sẽ không cần tới nhân viên kiểm soát không lưu bởi hệ thống máy tính công nghệ cao sẽ dẫn đường cho chúng tới đường băng, ngay cả trong thời tiết xấu".

Các máy bay chiến đấu thế hệ cũ hơn, như F-15 và F-16, dễ dàng bị radar đối phương phát hiện hơn nên phải bay cách xa chiến trường hơn, thoát ra ngoài tầm bắn của các tên lửa đất-đối-không tầm xa nguy hiểm.

Mỹ lần đầu tiết lộ chi tiết kế hoạch dùng F-35 chống Trung Quốc - Ảnh 2.

"Chim ăn thịt" F-22.

Bản báo cáo không nêu rõ tên "đối phương" ở đây là Trung Quốc, thay vào đó, các tác giả mô tả cuộc chiến giả định diễn ra tại "một khu vực trọng điểm ở nước ngoài", trong đó đề cập chi tiết tới tình huống F-35 phải chuyển sang căn cứ ở Australia.

Theo Defense One, chỉ Trung Quốc và Nga có máy bay chiến đấu thế hệ 5 và các hệ thống phòng không tiên tiến để buộc Mỹ triển khai F-35 đối phó, trong khi đó Nga nằm ngoài phạm vi mô tả trong báo cáo.

Australia dự kiến sẽ vận hành các tiêm kích F-35 đặt mua từ Mỹ trong tương lai gần và có thể sửa chữa bất cứ chiếc F-35 nào của Không quân Mỹ bị hư hại trong chiến đấu.

Tuy nhiên, cũng theo Defense One, các tình huống tương tự có thể được áp dụng trong cuộc chiến với Nga.

Để chiến thắng cuộc chiến tranh tương lai, theo Harrigian và Marosko, có rất nhiều thứ cần phải thay đổi trong cách Lầu Năm Góc triển khai máy bay.

F-22 và F-35 phải bay thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hơn các máy bay quân sự khác hiện nay.

Khác với phần lớn các nhiệm vụ thông thường, chúng sẽ tiếp nhận thông tin mục tiêu từ trung tâm chỉ huy, thông qua hệ thống máy tính công nghệ vào và các thiết bị liên lạc trên đường bay tới chiến trường.

Ngoài ra, khả năng kết nối giữa các máy bay mới và máy bay cũ cũng cần được cải thiện.

Xem F-35A thử nghiệm súng máy bắn 3000 viên/phút trên không trung. Nguồn: Người đưa tin

Theo Đại tá Marosko, Không quân Mỹ cần triển khai chiến đấu cơ F-22 và F-35 từ các căn cứ trên lãnh thổ Mỹ với tốc độ nhanh hơn, do đối phương có thể di chuyển các phương tiện chiến đấu của họ xung quanh chiến trường.

Và sau khi được triển khai, các máy bay này sẽ phải hành động với ít thiết bị và ít người hỗ trợ hơn.

Các máy bay chiến đấu thế hệ 5 cần phải thu thập rồi truyền dữ liệu tới trung tâm chỉ huy và các máy bay khác nhanh chóng hơn.

"Chúng ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào các dữ liệu được truyền về tàu mẹ" - Đại tá Marosko nói.

Mục tiêu của bản báo cáo này là nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận về cách thức sử dụng mẫu máy bay chiến đâu tiên tiến nhất của Mỹ trong chiến đấu, kết hợp với các chiến đấu cơ cũ hơn của họ và lực lượng liên minh.

Khái niệm "thế hệ 5" dùng để chỉ các máy bay có khả năng tàng hình, máy tính công nghệ cao và các cảm biến tiên tiến, cho phép chúng hoạt động như một "tiền vệ" trên chiến trường, thu thập dữ liệu, chia sẻ thông tin tình báo và thông tin về mục tiêu với máy bay khác.

Thời điểm bản báo cáo này được đưa ra cũng rất đáng chú ý, khi Không quân Mỹ dự kiến sẽ tuyên bố khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội F-35 đầu tiên trong khoảng tháng 8 - tháng 12.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã tuyên bố khả năng sẵn sàng hoạt động của F-35 vào năm ngoái nhưng vẫn chưa sử dụng chúng trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay tại Afghanistan và châu Phi - nơi quân đội Mỹ đã oanh tạc các thành trì của đối phương trong những năm gần đây.

F-22 tấn công Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS ở Syria

Thiếu tướng Harrigian, một phi công F-22, sẽ sớm tiếp quản cương vị chỉ huy, phụ trách các chiến dịch không kích IS tại Iraq và Syria.

Các máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ được cho là đã sẵn sàng chiến đấu vào năm 2005 nhưng phải tới năm 2014 chúng mới được triển khai trong chiến dịch oanh tạc của Mỹ nhằm vào cơ sở của IS tại Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại